'Không phải bây giờ thì bao giờ'

22/09/2018 - 07:00

PNO - Nhà thiết kế mà làm quần áo chỉ để thỏa mãn bản thân và… mặc kệ khách hàng thì nên xem lại, vì như thế sẽ khó tồn tại.

Một sáng tháng Tám, trong sự kiện kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia, sau bài diễn văn, ngài Tổng lãnh sự Malaysia trân trọng giới thiệu một nhà thiết kế Việt được ông tin tưởng gửi gắm trọng trách thực hiện Hoa batik - bộ sưu tập thời trang đặc biệt tượng trưng cho tình hữu nghị thân thiết giữa hai đất nước. Đó là Đoàn Quỳnh Nhi, nhà thiết kế và sáng lập thương hiệu thời trang Umbrella.

'Khong phai bay gio thi bao gio'
Nhà thiết kế Đoàn Quỳnh Nhi say sưa với một mẫu thiết kế.

TRỞ LẠI VÀ TỎA SÁNG

Phóng viên: Với Hoa batik - một bộ sưu tập mang tính chất ngoại giao đồng thời gây được tiếng vang lớn với giới truyền thông, hẳn chị đã dành ở đó rất nhiều tâm huyết? 

Nhà thiết kế Đoàn Quỳnh Nhi: Vì Hoa batik mang sứ mệnh ngoại giao nên tôi đã phải tìm hiểu nét chung và nét riêng trong trang phục của cả hai nước. Điều thách thức nhất là phải truyền tải được thông điệp ngoại giao thông qua thời trang. Các thiết kế phải nắm bắt được tinh thần cốt lõi của cả hai nước về quan điểm nghệ thuật và thời trang.

 “Batik” là kỹ thuật in vải truyền thống của Malaysia. Với bộ sưu tập này, tôi tin rằng, sẽ giới thiệu được văn hóa của Malaysia đến người Việt Nam và văn hóa Việt Nam đến nhiều hơn nữa với bạn bè quốc tế. Thế nên, điều làm tôi trăn trở nhất chính là làm sao vẫn phải thể hiện được nét đẹp đậm chất Á Đông nhưng phải phả vào đấy tính đương đại, phóng khoáng, ân tình như chính bản sắc của người Việt. Bộ sưu tập được thực hiện trong một tháng. Lần đầu đến tham quan xưởng vải batik Malaysia truyền thống, tôi thấy choáng ngợp trước những hoa văn được vẽ tay hoặc in. Chất liệu đa dạng từ cotton cho đến lụa crepe, satin, chiffon… Tôi chọn những hoa văn vẽ tay thủ công trên lụa. 

Tôi được đích thân vợ chồng ngài Tổng lãnh sự mời tham gia chương trình. Batik cũng chính là gợi ý của ông. Cũng từ lời mời này, tôi hiểu hơn về batik. Với người Malaysia, đó chính là niềm tự hào về một nghề truyền thống được xem như tinh hoa văn hóa và đang được chính phủ ra sức khôi phục. Hiểu hơn về batik, tôi thấy trọng trách của mình thật lớn, như đang cùng nước bạn gợi lại một miền ký ức đẹp. 

* Có người nhận xét rằng, bộ sưu tập lần này mới đúng là chất của Đoàn Quỳnh Nhi. Chị không buồn giữ phong cách cũ từng làm nên tên tuổi của mình

- Giữa những trào lưu và xu hướng thời trang thay đổi đến chóng mặt, là một nhà thiết kế, tôi phải tìm điểm cân bằng giữa cảm hứng theo xu hướng và cảm hứng từ truyền thống. Mỗi mùa cũng sẽ có những xu hướng khác nhau. Tôi luôn phải tư duy sáng tạo, không ngừng cải tiến để tồn tại. Và còn một điều nữa, tôi luôn chú trọng đến thiết kế có tính ứng dụng cao, để phù hợp với lựa chọn của nhiều người.

'Khong phai bay gio thi bao gio'
Đoàn Quỳnh Nhi và bộ sưu tập Hoa batik trong chương trình kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia.

MUỐN NGƯỜI KHÁC ĐẸP KHÔNG PHẢI LÀ CHẠY THEO THỊ HIẾU

* Phù hợp với số đông, nói như thế thì nhà thiết kế nào cũng phải chạy theo thị hiếu của thị trường? 

- Khi ca sĩ hát một bài nào đó được lọt vào bảng xếp hạng cao có nghĩa là ca sĩ đó hát hay, bài hát hay hoặc… cả hai đều hay. Khi bạn làm gì đó mà nhiều người thích nghĩa là cái đó đẹp. Thời trang cũng thế. Nhà thiết kế phải nắm bắt được thị hiếu của khách hàng và giúp khách hàng đẹp hơn. Đó là mục đích của tôi. Nhà thiết kế mà làm quần áo chỉ để thỏa mãn bản thân và… mặc kệ khách hàng thì nên xem lại, vì như thế sẽ khó tồn tại. Theo thị trường là nắm bắt xu hướng, khi bạn nghiên cứu về thời trang sẽ biết điều này là căn bản. Nhưng nắm bắt xu hướng chưa đủ để tạo nên những thiết kế đẹp mà không khéo sẽ trở thành bản sao. Bạn phải biết chắt lọc rồi phát triển để nó trở thành cái riêng của mình và được mọi người công nhận.

* Nên nhìn chị như một người làm thời trang hay một nhà thiết kế?

- Tôi là một người làm thời trang. Những người đứng đầu Gucci hay Chanel sáng lập thương hiệu cũng để làm thời trang và ở trong “đế chế” của họ có rất nhiều nhà thiết kế. Bản thân tôi cũng vậy - tôi muốn hướng đến việc xây dựng một thương hiệu thời trang và mang thương hiệu đó đi xa hơn nữa ở làng thời trang ngoài nước. 
Mọi người thường bàn luận phân biệt người thợ may, nhà thiết kế hay người làm thời trang. Tất cả những danh xưng này đều không có nghĩa gì nếu bạn không tạo ra sản phẩm đẹp. 

Tôi làm thời trang trong tâm thế một người làm thiết kế và tôi rất yêu nghề. 

TỰ VIẾT GIẤC MƠ CỦA MÌNH

* Mười năm trước, rất nhiều người tò mò khi nhìn thấy một nhãn hiệu lạ xuất hiện ở một con phố sang trọng bậc nhất Sài thành. Chị hãy thử nhìn lại chặng đường ấy.

- Giờ nhìn lại, tôi vẫn thấy mình gan, vì thời điểm đó, mức lương hơn nghìn đô mỗi tháng của tôi là cao và an toàn. Tôi khi ấy khá quyết liệt, lên kế hoạch và cứ thế bước đi kiên định. Vì tôi cứ đinh ninh rằng, không bây giờ thì bao giờ. Chỉ có mạnh dạn, mình mới có thể tự viết nên giấc mơ của mình. 

Tôi thích hội họa và thời trang từ thuở bé nhưng vì công việc kinh doanh của gia đình có nhiều sóng gió nên không được học theo đúng nguyện vọng của mình. Sau bốn năm làm việc cho công ty nước ngoài, tích lũy được một khoản tiền kha khá, tôi rẽ ngang. 

Umbrella được đặt theo tên một bài hát vui tai của ca sĩ Rihanna. Với tôi, giờ thực sự chưa phải lúc để ngồi nhắc lại chuyện cũ như một ký ức đẹp, vì có rất nhiều việc cần phải làm để Umbrella lớn hơn, đi xa hơn.

* Với hai trọng trách lớn là thiết kế và kinh doanh, chị làm thế nào để tìm được sự cân bằng, để không bị cuốn vào vòng xoáy tìm kiếm doanh thu và vẫn giữ được tình yêu nghề?

- Nếu bạn yêu nghề thì hãy làm sao cho sản phẩm bán được nhiều. Nếu muốn bán được nhiều thì hãy làm cho sản phẩm thật đẹp và chất lượng. Đó là cách tôi cân bằng mà không thấy áp lực. 

* Với bốn cửa hiệu ở các trung tâm thương mại lớn, mười năm như thế có được xem là quá chậm với một người làm kinh doanh? 

- Bạn phải biết được chiến lược của mỗi thương hiệu từ khi khởi nghiệp thì mới có thể nhận xét là nhanh hay chậm. Với Umbrella, những gì đạt được hôm nay cũng là chậm theo kế hoạch. Tuy nhiên khi nhìn lại toàn cảnh ngành và các nhãn hiệu thiết kế khác tại Việt Nam, tôi thấy mình “chậm mà chắc” và đó lại là điều hay. Làm kinh doanh không thể không chấp nhận rủi ro, nhưng khi đã nhìn thấy thị trường hoặc nội tại chưa sẵn sàng, mình không dại gì lao vào. Nếu sợ thất bại hẳn tôi đã không theo nghề này.

Chỉ cần được sáng tạo là vui rồi

Lúc ngồi với một đối tác tư vấn chiến lược phát triển thương hiệu và một đối tác đại diện quỹ đầu tư, tôi thực lòng không dám nghĩ mình sẽ như thế nào trong thời gian tới. Có lúc tôi muốn thương hiệu lớn mạnh, vươn ra thế giới, nhưng có khi tôi lại thấy bằng lòng với thực tại, bằng lòng với công sức của mình bỏ ra và thành quả thu về. Có lúc tôi lại ước, giá mà có ai đó đảm trách hết việc kinh doanh cho mình, tôi chỉ thực hiện việc sáng tạo thiết kế, thì quả là hạnh phúc. Tính sáng tạo trong tôi đôi khi lấn át hết mọi thứ, mọi nhu cầu. Chỉ cần được sáng tạo, là tôi vui lắm rồi.

Tôi đang ấp ủ cho một show thời trang đánh dấu chặng đường mười năm. Rất nhiều thứ phải chuẩn bị.

 Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI