Ông nói: “Anh giúp giùm tôi. Tình thiệt là tôi “vô phúc đáo tụng đình”, cực chẳng đã mới ra tòa kiện cáo, mà lại là kiện con dâu mình. Nhưng tôi nghĩ kỹ rồi, không làm thế thì mất hết”.
|
Vô phúc đáo tụng đình |
Con trai mất đột ngột, ông bà ngã quỵ đớn đau. Từ đó, hai đứa cháu nội được ông bà chắt chiu chi viện ăn học, bởi con dâu lâu nay dựa chồng, đâm ra quờ quạng. Năm tháng qua đi, những thăm hỏi qua lại của con dâu với họ nhạt dần. Ông bà từ miền Trung vào Sài Gòn sinh sống, con dâu và cháu thì ở ngoài đó, có muốn về thăm cũng khó, mà họ thì không vào, chẳng điện thoại nhắn nhe, ngoài chuyện đến tháng ra bưu điện nhận tiền.
Một bữa, bà nhận điện thoại, bên kia giọng con dâu lạnh… như đít bom: “Tôi bán nhà, báo cho cha mẹ biết nghe”. Cô cúp máy cái rụp. Một đêm đảo điên trong đầu ông. Chuyện gì đã xảy ra? Rồi ông cũng biết sự tình: con dâu bài bạc, vay mượn hùn hạp vô lối, nên lâm nợ. Con cái trong nhà điên lên: “Cứ để bả tính, bao năm giúp chừng đó được rồi, nhà của bả, bả ưng chi cũng kệ, ba mẹ đừng có tốn hơi tổn trí!”.
Thì lý là vậy, nhà của nó, quyền nó quyết, mình gần đất xa trời rồi, lại ở xa, thôi thì…
Giọng ông ảo não: “Nhưng không được anh à, tôi muốn giành quyền trong ngôi nhà đó”. Lúc con trai cưới vợ, ông cho cái nhà, nhưng giấy tờ đứng tên vợ chồng con trai ông. Theo luật, con trai hoặc dâu mất, thì quyền sở hữu nhà có phần cha mẹ họ, nên con dâu muốn bán, thì phải có ý kiến cha mẹ chồng đồng ý.
Ông dò hỏi một luật sư uy tín, người này nói: “Bác phát đơn đi, đề nghị công chứng dừng việc mua bán nhà”. Công chứng làm ngay. Thế là cô con dâu bắt đầu chiến dịch… quậy, bằng cách chửi bới, tung tin các kiểu. “Hết phép rồi, tôi giải thích này nọ mà nó không nghe, giờ tôi kiện ra tòa. 80 tuổi rồi, sướng ích chi chuyện đi giành nhà với con cháu. Tôi là thầy giáo, biết lẽ thiệt hơn, nhưng nhiều khi cái lý ở đời mà đúng, thì nó cõng cái tình… Mà thôi, xin anh nghe vậy là được, nhờ anh giúp, nhờ anh thay mặt tôi ra tòa”.
Tôi nhận đơn, hứa: “Bác yên tâm, con sẽ thay mặt bác”. Ông nhìn tôi, như muốn đặt hết niềm tin công lý. Từ ngày ông nhận được tin con dâu lạnh lẽo qua điện thoại đến giờ xử, cả thảy gần hai năm, 11 lần ông khăn gói lên tàu từ Sài Gòn về. Đây là lần thứ 12. Nghe đến đây, tôi thừ ra, thấy vai nặng xuống. Một niềm tin quá sức, khi chốn công đường lắm chuyện tréo ngoe. Tôi dự tòa đã nhiều, nhưng đứng trước công đường để hỏi và đáp, là chưa từng, và lạy trời sẽ không có chuyện “vô phúc đáo tụng đình”.
Tôi đón xe khách vào tòa án theo giấy mời. Vị thẩm phán nhìn tôi không ngước lên, nói: “Tôi coi hồ sơ rồi, anh nên khuyên ông già rút đơn đi, vì lý lẽ không đủ thắng”. Tôi nói: “Cảm ơn, nhưng cứ xử, cỡ nào tôi cũng bám, để coi công lý ở đâu. Tôi là nguyên đơn được ủy quyền, nhưng cũng nói thẳng với anh, tôi là nhà báo…”. Ông thẩm phán sững nhìn, vẻ bối rối.
Tòa xử. Vị đại diện VKS sau khi viện dẫn điều này nọ, nói: “Tôi biết anh chồng, anh ấy là bạn học với tôi, bây giờ cha chồng kiện con dâu, trường hợp này tôi cho rằng nên nghĩ đến cái tình cha con. Cô này một nách nuôi con khi chồng mất gần 20 năm rồi. Ông bà thì có nhà cửa riêng, can thiệp giành giựt làm chi” và đề nghị tòa xử cô dâu thắng. Hội thẩm nhân dân chỉ hỏi, không nói gì.
Tôi để ý cô con dâu, nét mặt hân hoan, cô nói một câu là nhà của tôi, ông bà chẳng có chi liên quan hết. Quan trọng hơn là ông trưởng phòng tài nguyên môi trường. Sổ đỏ ghi “cấp cho hộ bà…”, “thân chủ” tôi kiện hủy sổ đó chứ không phải kiện con dâu, tức kiện ủy ban huyện đã cấp sổ, vì nó không hợp pháp, bởi phải ghi “cấp cho bà… và những người có liên quan”.
Ông trưởng phòng dẫn ra điều này nọ, kết luận là chính quyền đúng, cô này đúng, nên chẳng có lý gì kiện, lại nói thêm rằng phải ghi ông bà con cháu dắt dây thì sổ đỏ chỗ nào mà ghi hết tên được! Tòa hỏi đến tôi. Tôi nói điều này khoản nọ trong Luật Dân sự, thông tư của bộ liên quan, là ông già kiện đúng.
Tòa hoãn tuyên, hẹn một tuần trả lời. Tuần sau, xử lần nữa, tòa tuyên ông già thắng kiện. Ôi trời, ra khỏi cửa, tôi được ăn một trận chửi, cô dâu chửi cha mẹ chồng như cầm thú, nhờ tôi nhắn lại với ông bà là đừng có hòng mà “ăn” được nhà. Cô kiện lên tòa phúc thẩm. Bản án không thay đổi. Lần này thì lòng căm hận lan qua tôi, cô ta chì chiết cha mẹ con cái tôi này nọ. Tôi ra về, lòng buồn bã, thắng thì thắng, nhưng chán quá trời.
Ông già nghe tin, mừng như trẻ lại. Lúc này ông nói: “Thiệt lòng, tôi kiện để giành nhà không phải cho tôi, tôi chẳng cần chi, nhưng để cho cháu. Anh nghĩ mà coi, con dâu nợ nần tùm lum, để nó bán nhà, máu cờ bạc vẫn chưa hết, ăn tiêu phá tán, sau này hai đứa con nó, tức cháu tôi ở đâu, mà tôi già rồi, hết sức nuôi cháu rồi, giờ đứa lớn đại học, nhỏ chuẩn bị hết lớp 12, tôi giữ nhà là để con dâu có ngày tỉnh lại vì con nó…”.
Một bữa ông già gọi điện thoại cho tôi thông báo: “Nhà bán rồi anh, phần tiền của vợ chồng tôi, tôi mua cho thằng cháu đầu căn nhà ở quận Tân Bình, phần con dâu thì trả nợ xong, nhưng chưa hết chuyện”. Lại là chuyện chi nữa đây? “Nó nói ba ơi con có tiền làm nhà, nhưng phát sinh thêm hai trăm triệu, ba giúp con, mà ba coi về cúng kiếng giúp nữa chứ con không biết gì hết”. Cái thở ra lần này còn nặng, nhưng hình như sắc màu đã khác.
“Hữu phúc đáo tụng đình”, lần kiện đó, ông không mất cháu, mất dâu, lại giữ được nhà. Nhưng một bữa, ông nhắn tin cho tôi: “Vui thì có vui, nhưng nghĩ sự đời buồn lắm. Làm người đâu chỉ cho mình, thiệt lòng trời hiểu lòng tôi, chứ nếu bữa ấy kiện thua, tôi mang tiếng suốt đời, thiên hạ chê cười, cháu con không hiểu lòng ông bà cha mẹ, chết cũng không nhắm mắt”.
Trung Việt