Nâng cao an toàn cho trẻ

05/10/2018 - 13:30

PNO - “Khó! Rất khó” là câu khẳng định của hơn 50 phụ nữ ngụ Q.Bình Tân - TP.HCM khi báo cáo viên đặt câu hỏi: “Dạy trẻ thời nay khó hay dễ?”

Tại buổi tập huấn “Kỹ năng chăm sóc trẻ và phòng, chống tai nạn, thương tích” do Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ Q.Bình Tân tổ chức, có vị phụ huynh thú nhận: “Chỉ cần thảy cho nó cái điện thoại là yên chuyện”. Các chị em khác dù rất miễn cưỡng, biết không phải cách hay nhưng vẫn gật gù vì “dường như nhà mình cũng vậy”. Điều đó thật tai hại cho sự phát triển não bộ, ngôn ngữ và tâm lý nói chung của trẻ.

Một vài câu hỏi khác cũng được đưa ra nhằm tìm hiểu nhận thức của những người có tác động trực tiếp lên cuộc đời của những mầm non đất nước. “Ai trong số các dì, các chị lúc nóng giận, lúc trẻ làm sai đã từng la rầy, trách phạt hoặc đánh trẻ?”. Ngỡ ngàng thay, chỉ vài cánh tay giữ yên trên bàn, còn lại ai cũng thừa nhận có. Vậy là phần đông những đứa trẻ bên cạnh những người lẽ ra phải yêu thương chúng hết lòng lại có thể là nguy cơ khiến trẻ kém an toàn về mặt tinh thần lẫn thể chất trong các tình huống căng thẳng, nóng giận của người lớn. Có lẽ đây không phải câu chuyện cá biệt của một gia đình, địa phương nào.

Chúng ta đồng ý rằng, nhận thức chung của xã hội đang dần được nâng cao; kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc trẻ từ gia đình đến nhà trường hiện đã tốt hơn rất nhiều nhưng trẻ vẫn thực sự thiếu an toàn xét từ nhiều phía. Đơn cử thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống bạo hành trẻ em, độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là chín tuổi, trong đó cứ bốn bé gái thì có một bé bị xâm hại tình dục.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam - từng khẳng định: có tới gần phân nửa số phụ nữ (có trẻ em gái) bị hiếp dâm có ý định tự sát vì không chịu nổi khủng hoảng tâm lý.

Bên cạnh xâm hại tình dục, bạo hành thì đuối nước, hỏa hoạn, bạo lực học đường cũng góp phần đe dọa an toàn của trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng. “Nâng cao an toàn” cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng không nên dừng ở khẩu hiệu mà phải hành động từ trong gia đình đến xã hội.

Ở góc độ tâm lý - giáo dục, tôi nghĩ rằng, việc nâng cao an toàn có thể đến từ việc:

- Mỗi ông bố, bà mẹ phải tự nâng cao hiểu biết, kỹ năng bản thân trong chuyện chăm sóc, nuôi dạy trẻ an toàn.

- Nhà trường, gia đình và xã hội cần phối hợp đồng bộ, uyển chuyển trong việc tuyên truyền, thực hành việc bảo vệ an toàn cho trẻ, trong đó có trẻ em gái theo từng lĩnh vực cụ thể: phòng, chống xâm hại, bạo hành, đuối nước, 
hỏa hoạn…

- Mỗi cá nhân phải tự ý thức, linh động, nhiệt thành trong việc “nâng cao an toàn” cho trẻ em bằng nhiều cách: tuyên truyền, chia sẻ về “an toàn, kỹ năng 
an toàn”.

- Cam kết nói không với bạo lực, 
xâm hại...

- Sẵn lòng đồng hành cùng các đơn vị, tổ chức, cơ quan, trường học, bệnh viện trong việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, phụ nữ... được an toàn hơn. 


 

news_is_not_ads=
TIN MỚI