Chồng 'không chấm'

02/01/2019 - 06:00

PNO - Không phải cố gắng “hạ” đàn ông xuống một bậc thì chúng ta sẽ có bình đẳng. Và đàn bà có thật sự hạnh phúc không khi sống với ông chồng coi mình như bà hoàng?

Sau bữa cơm tối, anh hàng xóm cùng cậu con trai cưng đang ngồi xem ti vi. Không biết câu chuyện bên đó thế nào, tôi nghe giọng anh sang sảng: “Cưới vợ về cho nó hầu hạ chứ không phải cưới vợ về để nó làm mẹ. Thay vì mướn Ôsin - phải trả tiền hằng tháng, ta cưới con vợ về, đúng hông con trai yêu?”.

Chong 'khong cham'
Ảnh minh họa

Cậu con “dạ” một cách lễ phép, xen giữa những câu dạy bảo của anh. Không nghe vợ anh nói gì. Có chút bức bối, tôi cố rảo mắt sang phía nhà hàng xóm để tìm kiếm ánh mắt của chị, xem chị phản ứng thế nào, nhưng không thành công. Có lẽ chị đang bận dọn dẹp nên “cố tình” không nghe hoặc có thể những điều đó đã diễn ra quá lâu trong gia đình chị nên đã thành ra bình thường. Tôi nói vậy là vì đã từng chứng kiến sự im lặng của chị trong rất nhiều trường hợp tương tự.

Có những đêm “chiến đấu” cùng trái bóng mà mùa bóng thì gần như quanh năm, ngày anh phải ngủ bù. Đi làm cả ngày, chị vẫn phải cơm nước chu toàn, để anh lại sức. Vậy mà có hôm, tranh thủ giờ tan ca, tạt qua thăm cha mẹ đẻ, chị về nhà muộn, khiến mâm cơm dọn ra trễ hơn thường ngày, anh thẳng tay hất xuống thềm. Lúc đó, cũng chỉ nghe tiếng tô chén vỡ phát ra những âm thanh chát chúa chứ không hề nghe tiếng của chị. Chị cứ thế lặng lẽ dọn dẹp bãi chiến trường, rồi cứ thế đi ngủ, để sáng hôm sau lại đi làm như chưa từng có việc gì xảy ra. Chiều hôm đó, gặp tôi ngay trước cửa, chị ngại ngùng: “Chắc hôm qua em nghe hết hả? Chồng của chị xưa nay vậy đó. Nó xài tiền của chị không mà còn như thế”.

- “Chị không uất hả? Gặp em thì đừng hòng” - tôi bức xúc với vẻ bình thản của chị. “Kệ, miễn nó không quánh (đánh) mình là mừng rồi em. Mình đàn bà, quánh không lại nó đâu” - chị thở dài. “Nó” có lẽ chỉ là cách chị gọi chồng trong lúc tức giận, nhưng cũng chỉ là lén lút; trong khi chị xinh đẹp hết phần người ta, cũng chẳng phụ thuộc kinh tế ở chồng. Thế mà, tôi không hiểu tại sao chị lại nín nhịn như vậy.

Quay lại câu chuyện “lấy vợ là thuê Ôsin không tốn tiền”. Thời gian gần đây, nghe đài báo nói nhiều về cách mạng 4.0, tôi chợt nghĩ: thời đại công nghệ số, xã hội hướng tới bình đẳng, dân chủ, sao lại có những người vẫn khư khư giữ lấy cái tư tưởng cũ rích như vậy. Đã vậy còn tiêm nhiễm suy nghĩ lạc hậu ấy cho con. Khổ cho thằng bé, mới mấy tuổi đầu, không biết rồi gia đình nhỏ trong tương lai của cậu bé có cơ hội mong manh nào thoát khỏi sự đeo bám của cái “nền nếp gia phong” này hay không, trong khi xã hội cứ ra rả câu chuyện bình đẳng.

Chong 'khong cham'
Ảnh minh họa

Tôi chợt nhớ thời sinh viên, trong một bài giảng về bình đẳng giới, cô tôi nói, ở phương Tây, khi lên xe buýt hay xếp hàng ở bất kỳ nơi công cộng nào, những đối tượng được ưu tiên theo thứ tự luôn là: trẻ em, người già, phụ nữ, con chó, sau đó mới đến… đàn ông. Cô còn có vẻ “ganh tỵ” với nền bình đẳng của Tây phương khi so sánh: “Ở bên đó phụ nữ sướng lắm, việc nặng chồng giành làm hết. Thậm chí khi đi du lịch, ông chồng lưng đeo ba-lô, tay xách hành lý, địu em bé trước ngực cho vợ thong thả đi tay không, chẳng như mấy ông bên mình”. Nghe cô nói về những sung sướng ấy, tôi thật sự không thích, thấy có gì sai sai. Liệu đó có phải là bình đẳng? Người phụ nữ có thể thong dong mà đi trong khi ông chồng tay xách nách mang, bồng bế con cái chẳng phải là quá ích kỷ, không biết chia sẻ gánh nặng hay sao? Đó không phải là, không nên là sự bình đẳng mà xã hội hướng tới.

Từ bài giảng của cô, tôi nhận ra, tuy là một trí thức, là giảng viên đại học, nhìn nhận của cô có phần thiên lệch về chuyện “bình đẳng”. Không phải cố gắng “hạ” đàn ông xuống một bậc thì chúng ta sẽ có bình đẳng. Và đàn bà có thật sự hạnh phúc không khi sống với ông chồng coi mình như bà hoàng?

Tuy nhiên, đó là chuyện ở xứ người, không chắc lắm; còn xứ ta, có một sự kiện về bình đẳng giới diễn ra đầu tháng 12 vừa rồi, khiến không ít người bất ngờ. Một nhân vật trong sự kiện tiết lộ: mỗi sáng, sau khi ăn bữa sáng do chị nấu, chồng chị thong thả ra xe để tài xế chở đi làm; còn chị lúi húi dọn dẹp, xong xuôi, lại tất tả chở hai con đến trường rồi mới ngược đường về cơ quan mà nhiều lúc nước mắt muốn trào ra. “Gần mười năm chung sống, chưa bao giờ mình về trễ mà có cơm để ăn” - chị kể. Chị là cán bộ chuyên trách bình đẳng giới của một quận. Cũng thấy “bất bình đẳng”, nhưng chỉ dừng lại trong suy nghĩ tủi thân, chứ chưa hành động.

Vậy nên, đấu tranh vì bình đẳng giới, nếu hiểu chưa đúng tinh thần của nó, hoặc chỉ tồn tại trong suy nghĩ, chúng ta vẫn không thể nào bớt đi những ông chồng “không chấm” giữa thời 4.0. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI