Bé gái bị cha dượng dọa xâm hại, bà mẹ không dám tố cáo vì muốn... bình yên

30/06/2017 - 09:44

PNO - Về việc con gái từng bị người chồng có hành vi dâm ô, chị cho rằng: “Bé N. nói không bằng chứng”, nhưng cũng khẳng định có nghe chồng dọa bé N. lớn thì “coi chừng” ông ấy.

Be gai bi cha duong doa xam hai, ba me khong dam to cao vi muon... binh yen
 

Ngày 26/6, báo Phụ Nữ tổ chức bàn tròn “Thực thi Luật Trẻ em từ gia đình”, chúng tôi tha thiết đề nghị cha mẹ đừng rời mắt khỏi con, mạnh mẽ bảo vệ con; đừng để trẻ kêu cứu trong vô vọng… Vậy mà chỉ hôm sau, chúng tôi phải nghe tiếng nức nở của bé gái 16 tuổi khi em kể chính mẹ cũng thờ ơ trước nguy cơ em bị xâm hại.

Tiếng kêu cứu vô vọng

Ngày 23/6, em C.T.B.N., ngụ huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã gửi thư cầu cứu đến Hộp thư tư vấn của Hội LHPN TP.HCM và Đường dây khẩn báo Phụ Nữ đề nghị can thiệp nguy cơ bị cha dượng xâm hại.

Trong thư, bé N. cho biết: “Năm nay con 16 tuổi, đang sống cùng mẹ và cha dượng. Cách đây vài năm, người này từng có hành vi sờ soạng và đe đọa đến năm con đủ 18 tuổi sẽ xâm hại con. Mẹ con do có bệnh thần kinh nên rất sợ ông ấy, ngay cả chuyện con bị đe dọa xâm hại bà cũng không dám bênh vực con. Bây giờ khoảng cách đến ngày con 18 tuổi càng ngắn lại, ông ấy vẫn rượu chè bê tha, mắng chửi mẹ con con mỗi ngày. Nhất là từ khi mẹ con đòi ly hôn, thì ông ấy càng trở nên đáng sợ hơn”.

Ngày 27/8, phóng viên đã tìm đến nơi cư trú của bé N. Đó là căn nhà nhỏ tuềnh toàng gần Thị trấn Bến Lức. Bé N. không đưa chúng tôi vào nhà vì sợ người đàn ông đó đi về bắt gặp sẽ gây khó dễ cho em.

Cô bé N. có vẻ ngoài bất cần và chai lì hơn tuổi 16 của mình, nhưng khi chạm vào chuyện cũ lại nghẹn giọng: “Lần đầu tiên con bị ông ấy bắt sờ vào chỗ kín của ông khi con mới học lớp 4. Ông mua cho con mấy trái lựu và nói chỉ cho ăn nếu làm theo lời ông. Con sợ lắm, tối đó con méc mẹ. Nhưng mẹ con chắc do ngồi may cả ngày mệt nên không quan tâm. Mẹ còn la con. Sau đó, nhiều lần không có ai ở nhà, ông nhậu về là sờ soạng con. Từ năm con lên lớp 6, hễ đi học thì thôi, về nhà là con qua cậu mợ Hai để trốn ổng. Chừng nào mẹ về, con mới trở về nhà”.

Dù biết hành động của người cha dượng là cấm kỵ, nhưng vì bị mẹ la mắng khi em đề cập chuyện này nên bé N. không dám kể với ai. Lo lắng, sợ hãi khiến cô bé học hành sa sút. Đến năm lớp 8, N. đã bỏ dở việc học, xin mẹ cho đi làm kiếm tiền. Không nghề, chữ nghĩa không đến đâu, N. chỉ biết phụ việc ở các quán xá gần nhà và ngày ngày lại sống tiếp trong nơm nớp lo âu. Cô bé lo… đến ngày mình đủ 18 tuổi sẽ bị người cha dượng sẽ thực hiện hành vi bỉ ổi.

Tôi hỏi em có quyết tâm tố giác cha dượng không, em nói: “Bây giờ muốn tố giác và quyết tâm, nhưng con sợ. Con chỉ muốn mẹ được ly hôn, con sẽ theo mẹ cách ly khỏi ông ta”.

Người mẹ dung dưỡng cho cái ác

Qua trao đổi với chị C.T.K., mẹ của bé N., chị cho biết, chị gá nghĩa với người đàn ông này hơn mười năm nay. Trước đây anh ta cũng đi làm đàng hoàng, giờ không công việc, chị K. đi làm công nhân nuôi cả gia đình. Dù thường xuyên bị chồng bạo hành tinh thần, nhưng chị K. chưa từng cầu cứu cùng Hội Phụ nữ, công an hay chính quyền xã, huyện. Những tháng gần đây, không chịu nổi áp lực tinh thần, chị dắt bé N. trốn về bên nhà mẹ thì anh chồng tung tin “vợ bỏ theo trai”. 

Be gai bi cha duong doa xam hai, ba me khong dam to cao vi muon... binh yen
Luật sư sẵn sàng trợ giúp. Trẻ được quyền sống an toàn và hạnh phúc

Bị mang tiếng, nhưng do xấu hổ chị không biết cách nào biện minh. Dù chịu không nổi áp lực đời sống vợ chồng, có nguyện vọng ly hôn và nhà chỉ cách Tòa án nhân dân huyện Bến Lức chưa đầy 3km, nhưng chị K. không dám ghé tòa hỏi thủ tục vì… sợ chồng trả thù. Về việc con gái từng bị người chồng có hành vi dâm ô, chị cho rằng: “Bé N. nói không bằng chứng”, nhưng cũng khẳng định có nghe chồng dọa bé N. lớn thì “coi chừng” ông ấy.

Hỏi chị K. vì sao không tố giác, chị cho biết: “Tôi từng bị rối loạn tâm thần điều trị lâu năm nên làm việc gì cũng chậm chạp hơn người. Thiệt tình tôi cũng bực bội khi nghe con kể chuyện, nhưng không bằng chứng, vả lại lúc đó nhà cửa cũng còn yên, tôi không muốn lùm xùm”. Hỏi chị bây giờ chị tính sao? Chị K. nói: “Tôi cũng muốn ly hôn. Tố cáo vụ đó mà tôi rứt được khỏi ổng, lấy được nhà làm chỗ ở thì tố. Mà tôi sợ làm việc với công an, chính quyền lắm. Tôi muốn bình yên”.

Lời kể thản nhiên của người mẹ như lưỡi dao rạch vào vết đau của cô con gái. N. tuyệt vọng: “Đó, mẹ con còn nghĩ vậy, thì ai bảo vệ con? Con không hiểu nổi mẹ. Mẹ đã muốn ly hôn với người đe dọa mình mà mẹ cứ đòi bình yên”. Bé N. đang học đàn để sau này có nghề kiếm sống, nhưng em vẫn không biết mẹ có tiền cho học đến bao lâu. 

Bà Nguyễn Thụy Thắm - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Long An nói: “Ngay khi nhận được tin từ báo Phụ Nữ, Hội đã liên lạc với bé N. và cử cán bộ tìm gặp, động viên, hỗ trợ hai mẹ con. Trấn an tinh thần bé N., đồng thời hướng dẫn chị C.T.K. thủ tục cần thiết để tiến hành ly hôn.

Chuyện bé N. tố giác cha dượng có hành vi xâm hại và đe dọa xâm hại, đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy hai mẹ con chị tự cho rằng không có chứng cứ nên không dám lên tiếng nữa”. Chính bà Thắm cũng chua xót: “Nỗi sợ hãi kỳ cục hay chính là sự nhu nhược, thiếu hiểu biết của người mẹ làm liên lụy đứa trẻ. Chúng tôi sẽ đặc biệt lưu ý trường hợp này”.

Câu chuyện lần nữa cho thấy, trong thực tế, vẫn liên tiếp vang lên những tiếng kêu cứu từ chính nơi trú ẩn đáng lẽ phải an toàn nhất cho một đứa trẻ: gia đình. Nhưng vì sao gia đình lại không phải là nơi bảo vệ trẻ đã trở thành vấn đề nhức nhối và gây bức xúc cho xã hội. 

Rất mong chị C.T.K. sáng suốt và mạnh dạn tố giác hành vi sai trái để bảo vệ con gái. Nếu dửng dưng như hiện tại, vô tình chị tiếp tay cho cái ác với chính đứa con rứt ruột đẻ ra. Và không chỉ người đàn ông kia, chị K. cũng đang phạm luật. 

Luật sư sẵn sàng trợ giúp 

Chi hội luật sư bảo vệ Quyền trẻ em Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM sẵn sàng trợ giúp các thủ tục cần thiết cho chị C.T.K. và bé N. trong việc thực hiện ly hôn và thu thập chứng cứ tố cáo hành vi xâm hại, đe dọa xâm hại bé của người cha dượng.

Trường hợp này, chúng tôi nhận thấy dù Hội LHPN tỉnh, huyện và xã đã tìm hiểu, nắm tình hình, nhưng sự trợ giúp kịp lúc, kịp thời cho hai mẹ con bé N. đang rất cấp bách. Cần quan tâm giúp đỡ sâu sát hơn. Mong gia đình liên lạc cùng Chi Hội luật sư 3 (32 Trần Quốc Thảo hoặc ở  số 8 Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP.HCM, Điện thoại: 18009069) để chúng tôi trợ giúp hiệu quả.

LS Nguyễn Sơn Lâm 
Chi hội phó Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI