4.0: 'Đầu tư' vào ngành học nào?

27/03/2019 - 09:02

PNO - Trong thời đại thay đổi quá nhanh, việc đầu tư vào tương lai - chọn một ngành nghề cho bản thân sau khi tốt nghiệp THPT của học sinh trở nên rất quan trọng nhưng đầy khó khăn.

Chúng tôi có trao đổi cùng hai chuyên gia: ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, người có gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực việc làm và ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nhằm cung cấp thêm thông tin cho học sinh xung quanh vấn đề chọn ngành nghề năm 2019.

Phóng viên: Bức tranh về thị trường lao động hiện nay và trong 5 năm tới sẽ như thế nào, thưa ông? Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong kỷ nguyên số đòi hỏi người học phải làm gì để thích nghi, tránh bị đào thải?

Ông Trần Anh Tuấn: Đánh giá chung, nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đủ đáp ứng thị trường lao động hiện nay và những năm tới. Trong đó có sự thiếu hụt lớn về nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật, nhóm ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0.

Cụ thể, ngành công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam, ước tính mỗi năm, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đặn gần 50%, trong khi thực tế với 500.000 học viên CNTT ra trường chỉ có 8% đáp ứng được nhu cầu này. Nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo... chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển, tỷ lệ này lên đến 40-60%. Đây là một thách thức đối với nền công nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung khi tác động của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ, sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot.  

4.0: 'Dau tu' vao nganh hoc nao?
Học sinh nêu thắc mắc về việc chọn ngành nghề tương lai trong chương trình tư vấn hướng nghiệp

Cùng với những nỗ lực như trên, một điều cực kỳ quan trọng là Việt Nam không thể không quan tâm phát triển ngành tự động hóa, đồng thời đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học... Sự thay đổi của công nghệ trong kỷ nguyên số đòi hỏi giáo dục - đào tạo phải giúp người học thích nghi, sáng tạo để tránh bị đào thải. 

Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho học sinh - sinh viên như kỹ năng ứng dụng CNTT, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy sáng tạo... đang là yêu cầu cấp thiết. Thanh niên, học sinh, sinh viên cần tích cực với nhiều cơ hội tiếp cận, tích lũy, chắt lọc cái mới, có nhiều cơ hội để trở thành một nhân lực toàn cầu. Kết quả thành công trong thị trường lao động hiện tại và tương lai không còn là bằng cấp trên giấy, mà là “giá trị sức lao động”, “giá trị hành nghề”, bằng cấp theo nghĩa mở rộng, trao đổi tri thức, sáng tạo, giá trị đóng góp cho xã hội. 

* Thanh niên hiện nay rất quan tâm đến khởi nghiệp. Theo hai ông, ngay từ khi chọn ngành nghề, nên định hướng như thế nào để sau khi ra trường có thể khởi nghiệp sớm và thành công? 

Ông Trần Anh Tuấn: Nghề nào cũng có thể khởi nghiệp được. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Khởi nghiệp cần kết hợp các yếu tố: năng lực sáng tạo, vốn khởi nghiệp kinh doanh, sự kiên trì, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu thị trường, kỹ năng hoạch định chiến lược, kỹ năng quản trị nhân sự - tài chính... Muốn thích ứng với thị trường ngày càng đòi hỏi cao và khởi nghiệp, thanh niên cần xác định rõ mục đích nghề nghiệp và việc làm. 

Ông Phạm Thái Sơn: Để khởi nghiệp thì câu hỏi không phải là học ngành gì mà là học như thế nào. Cơ bản là người học có tâm thế của doanh nhân khởi nghiệp và kiến thức khởi nghiệp hay không. Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực công nghệ đang có lợi thế trong khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần xuất phát từ các nhà sáng lập là dân công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực tự động hóa, CNTT, công nghệ sinh học... 

Và để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhân sự trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, tài chính, marketing... cũng đang rất cần, đặc biệt là nhân sự trong lĩnh vực này có kiến thức về khởi nghiệp, vì để vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp vốn khác biệt khá lớn so với các doanh nghiệp truyền thống.

* Với ảnh hưởng cách mạng công nghiệp 4.0 thì tất cả lĩnh vực trong xã hội đều cần áp dụng công nghệ để phát triển? 

Ông Phạm Thái Sơn: Đúng vậy, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc các ngành không thuộc ngành công nghệ thì không có cơ hội trong tương lai. Những ngành đòi hỏi tính “người” cao sẽ phát triển trong tương lai như nhóm ngành nghệ thuật, giáo dục. Và ở các ngành nghề thì không phải biến mất hẳn mà nó phát triển hơn. Ví dụ: xe ôm công nghệ thay thế xe ôm truyền thống; những robot may công nghiệp thay thế những thợ may truyền thống, nhưng ngành công nghệ may vẫn sẽ tồn tại và phát triển.  

Ông Trần Anh Tuấn: Những nhóm ngành nghề phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0: CNTT (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng...) và CNTT trong hoạt động kinh doanh tài chính…; công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu…); các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học )...; nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính - đầu tư, logistics, du lịch, dinh dưỡng...; nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (như kiến trúc, thiết kế, dịch thuật...).

* Như vậy, trong việc chọn ngành nghề tương lai, yếu tố nào quyết định thành công?  

Ông Phạm Thái Sơn: Về việc chọn ngành học, ba yếu tố đặc biệt lưu ý là: đam mê, sở thích - năng lực - nhu cầu thị trường. Cả ba yếu tố này quan trọng không kém nhau. Tuy nhiên, thông tin về nhu cầu thị trường sẽ biến đổi tùy vào kinh tế quốc gia, khu vực và đây là yếu tố khó dự đoán nhất. 

Ví dụ, năm 2012 với khủng hoảng thừa nhân lực ngành tài chính - ngân hàng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung nhưng đến giai đoạn hiện nay thì nhân lực ngành này đang có nhu cầu lớn. Vì vậy, có thể ưu tiên cho hai yếu tố thuộc về bản thân, đồng thời luôn cập nhật thông tin về ngành nghề và hướng nghiệp cho bản thân trong quá trình học ở bậc đại học, cao đẳng sẽ giúp sinh viên thích nghi nhanh với thị trường lao động khi ra trường.

Ông Trần Anh Tuấn: Phải chọn nghề phù hợp khả năng bản thân. Với thị trường lao động phát triển theo xu thế  hội nhập và tiến đến cách mạng công nghiệp 4.0, muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ lao động. Vì vậy, mỗi người phải chọn nghề, bậc học, chương trình và trường đào tạo phù hợp với mình. Tự tin và quyết tâm học thật tốt. Quan trọng nhất, tạo được giá trị hành nghề là yếu tố chính đi đến thành công.

* Xin cảm ơn hai ông.

Nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển sinh cao trong 5 năm tới 

Ông Trần Anh Tuấn thông tin: giai đoạn 2019-2025, TP.HCM cần tuyển dụng 300.000 người/năm, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho chín ngành dịch vụ, bốn ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm). 

Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ rất cao như: quản lý kinh tế - kinh doanh - quản lý chất lượng; du lịch - nhà hàng - khách sạn, marketing - nhân viên kinh doanh; tài chính - ngân hàng (nhân lực chuyên môn cao, ở cấp độ quản lý) - kế toán - kiểm toán; tư vấn - bảo hiểm; pháp lý - luật; nghiên cứu - khoa học; quản lý nhân sự…

Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như: nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch, tư vấn - bảo hiểm… và nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề như: cơ khí, xây dựng, CNTT, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh...

Khánh Linh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI