TP.HCM kiến nghị tăng giờ học lý thuyết chương trình đào tạo lái xe

18/09/2018 - 11:08

PNO - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Bên cạnh việc thống nhất về quan điểm, nguyên tắc và cách thức xây dựng dự thảo, UBND thành phố còn góp ý Bộ Giao thông vận tải xem xét quy định rõ sự “phù hợp” giữa số lượng giáo viên và lưu lượng đào tạo đề nghị cấp phép tại khoản 5, Điều 1.

Theo đó, thành phố đề nghị quy định cụ thể số lượng giáo viên dạy lý thuyết cần thiết so với lưu lượng đào tạo được cấp phép theo các mức lưu lượng 500 học viên, 1.000 học viên, 2.000 học viên…

TP.HCM kien nghi tang gio hoc ly thuyet chuong trinh dao tao lai xe
 

Thành phố cũng đề nghị không bãi bỏ điểm c, khoản 1, Điều 9 Nghị định 65/2016/NĐ-CP. Bởi hiện tại, giấy phép lái xe còn hạn sử dụng là căn cứ để xác định thâm niên giấy phép lái xe, qua đó xác định hạng tập huấn của người giáo viên. Đồng thời, việc xuất trình giấy phép lái xe bản chính sẽ giúp xác định người tham gia tập huấn giáo viên không trong thời gian vi phạm luật giao thông đường bộ, bị thu giữ giấy phép lái xe.

Với cơ chế đặc thù, TP.HCM được Chính phủ ủng hộ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền trên nhiều lĩnh vực, tạo sự chủ động sáng tạo gắn với đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhằm phát huy nội lực, sức sáng tạo, tận dụng mạnh mẽ tiềm năng, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của xã hội, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phân cấp ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Cụ thể, kiến nghị phân quyền Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chính tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện quy định đối với các cơ sở. Thanh tra Bộ và Tổng cục Đường bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, thanh kiểm tra đối với sở.

Về lĩnh vực sát hạch, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giao Sở Giao thông vận tải kiểm tra, cấp lại Giấy chứng nhận Trung tâm sát hạch lái xe loại 1, loại 2 đủ điều kiện hoạt động, định kỳ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Ngoài ra, UBND thành phố còn kiến nghị đối với chương trình đào tạo lái xe hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu tăng thời gian học lý thuyết đối với môn Pháp luật Giao thông đường bộ và Kỹ thuật lái xe. Chương trình đào tạo lái xe cần được xây dựng với những nội dung thiết thực, tập trung vào các quy định pháp luật, kỹ năng lái xe; trong đó, không thể thiếu việc nhận biết tình huống nguy hiểm và cách thức xử lý, đảm bảo tham gia giao thông một cách an toàn, đúng pháp luật.

Về hình thức giảng dạy, đề nghị có quy định đa dạng hóa hình thức dạy và học (học tập trung, học từ xa, tự học…), giúp người học có thể lựa chọn hình thức phù hợp. Tuy nhiên với mọi hình thức học, cơ sở đào tạo phải kiểm tra, quản lý chặt chẽ người học, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Đối với công tác sát hạch, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy định cho phép học viên không đạt các kỳ sát hạch có thể chủ động lựa chọn địa điểm và thời gian thi sát hạch lại, không cần phụ thuộc vào lịch sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe. Việc cho phép người học lựa chọn địa điểm sát hạch lại sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các Trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn, thúc đẩy các Trung tâm sát hạch lái xe đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, thu hút người thi, qua đó nâng cao chất lượng công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Đối với thủ tục cấp giấy phép xe tập lái, để đảm bảo an toàn và hiệu lực của hệ thống phanh phụ, thời gian qua Sở Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu cơ quan đăng kiểm kiểm định hiệu quả hệ thống phanh phụ của xe ô tô tập lái.

Sau khi kiểm định xe ô tô gắn hệ thống phanh phụ như trên, cơ quan đăng kiểm sẽ kết luận loại phương tiện là “Tập lái”, xác nhận xe đã cải tạo trên giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Các phương tiện này sẽ thuộc đối tượng cần đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an về đăng ký xe.

Việc này gây tốn kém và tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho cơ sở đào tạo. Do đó, đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm việc với Bộ Công an để nghiên cứu ban hành quy định phù hợp, đảm bảo chặt chẽ trong quản lý (đối với xe tập lái) và thuận tiện cho cơ sở đào tạo khi triển khai thực hiện.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI