Mệt mỏi khi họ hàng nhà chồng nhờ vả sắm Tết

18/01/2019 - 20:00

PNO - Gần Tết, ai gọi điện nhờ mua giùm cái này cái kia, tôi cũng lấy lý do cuối năm bận việc để từ chối hoặc giới thiệu địa chỉ bán chứ không 'ôm rơm nặng bụng' như trước nữa.

Vợ tôi chồng cưới nhau gần 4 năm và có một con trai lên 2 tuổi, cả hai đều có công việc tốt, thu nhập cao, đã có nhà cửa và xe hơi nên chi tiêu thoải mái. Chúng tôi ở thành phố, cách nhà chồng khoảng 40km. Thỉnh thoảng cứ hai tuần hoặc một tháng, vợ chồng tôi đưa con về thăm ông bà.

Met moi khi ho hang nha chong nho va sam Tet
Đến Tết, anh em họ hàng nhà chồng lại gọi điện nhờ tôi sắm sửa giùm. (Ảnh minh họa)

Nhà ba mẹ tôi ở tận miền Trung, ngoài này tôi không có anh em họ hàng nên từ lúc mới cưới, tôi vẫn cố gắng để tạo mối tình cảm với nhà chồng. Ba mẹ chồng khá hiền, dễ tính, vợ chồng tôi cho gì thì nhận chứ không đòi hỏi. Thậm chí, nhiều lần tôi mua thuốc bổ về biếu, mẹ chồng còn sợ tốn kém, mua sắm đồ đạc thì mẹ bảo: “Thiếu gì mẹ tự mua, ở quê bây giờ gì cũng có mà”.

Nhưng anh em họ hàng nhà chồng lại ngược lại. Hồi mới cưới, khi nào về quê tôi cũng mua quà cho mọi người. Họ nhà chồng ở cùng một xóm nên đã cho thì không thể thiếu ai. Vả lại, chút quà bánh không đáng là bao nên tôi không tính toán. Về quê, gặp ai, tôi cũng bắt chuyện thân thiết, đặc biệt là mấy chị em gái. Được một thời gian, các chị các em ở quê thỉnh thoảng lại gọi điện lên nhờ mua đồ giúp.

Lúc đầu thì nhờ mua thỏi son, cái áo, ví đựng tiền, sau dần thì đồ ăn thức uống, đồ chơi cho con. Ban đầu, tôi cứ nghĩ mọi người tin tưởng, người trong nhà với nhau mới nhờ vả nên tôi vui vẻ mua giúp. Những thứ lặt vặt tôi cũng không lấy tiền làm gì. Nhưng lâu dần, bị nhờ vả quá nhiều tôi cảm thấy ức chế vì thấy mình bị lợi dụng. Bởi những thứ ở quê có sẵn vẫn gọi điện nhờ mua giùm.

Mỗi lần về quê, xe nhà tôi lại đầy ắp hàng hóa của mọi người gửi mua. Họ vui mừng khen hết lời khi lấy đồ và rối rít cảm ơn nhưng không thấy trả tiền lại. Có người cũng chỉ nói miệng: “Để đó chị gửi tiền em sau”, rồi thôi. Một thứ chỉ vài chục nghìn đến một trăm nghìn nên tôi không tiện mở miệng đòi, nhưng khi cộng dồn lại nhiều lần thì tổng số tiền không phải là nhỏ. 

Đến Tết, tôi còn khổ sở hơn. Tết năm đầu về làm dâu, tôi luôn cố gắng “săn” những món độc đáo để mang về nhà chồng. Mọi người đến chơi đều trầm trồ ngạc nhiên tỏ vẻ thích thú. Đến Tết năm sau, chị em họ hàng nhà chồng lại gọi điện nhờ sắm giùm đồ Tết. Nào là “Giò bê em mua ngon thật đấy, em mua giùm chị một ký nhé”, nào là “Chả lụa chị đặt ở đâu mà ngon thế, đặt cho em 2kg nhé”, “Con chị cứ khen kẹo bánh mợ mua năm ngoái, mua giùm cho cháu một ít nhé”...

Ban đầu, tôi cả nể nên cố gắng mua giùm cho đầy đủ. Cuối năm bận rộn mà tôi phải chạy sấp ngửa đi lấy hàng rồi chia phần, gói ghém cẩn thận cho từng nhà. Đã vất vả khổ sở lựa chọn sao cho mọi thứ ngon nhất nhưng về quê vẫn không làm hài lòng hết tất cả mọi người.

Met moi khi ho hang nha chong nho va sam Tet
Năm nay, tôi thảnh thơi vì chỉ lo sắm Tết cho nhà mình và ba mẹ chồng.(Ảnh minh họa)

Có người trả tiền nhưng chê ỏng chê eo sao mà đắt thế, có người "quên" đưa tiền luôn. Tính ra, tôi vừa mệt vừa mất một khoản tiền không nhỏ bởi đầu năm ai đi đòi tiền bao giờ, để đến mấy tháng sau thì không tiện nhắc.

Đến giờ, tôi đã rút kinh nghiệm,  họ gọi điện nhờ mua đồ giùm tôi vẫn mua nhưng khi về, nhà đông người tôi cũng nói gần xa: “Chị nhờ mà em mua chẳng kịp, lúc nãy về ghé qua chợ quê, tưởng không có hóa ra rất nhiều”. Có lẽ, họ hiểu ý nên lần sau không thấy nhờ vả nữa.

Còn gần Tết, ai gọi điện nhờ mua giùm cái này cái kia, tôi cũng lấy lý do cuối năm bận việc để từ chối hoặc giới thiệu địa chỉ bán chứ không “ôm rơm nặng bụng” như trước nữa. Nhờ thế mà mấy năm gần đây, việc nhờ vả cũng giảm đi nhiều và đến Tết, tôi cũng thảnh thơi hơn chỉ lo sắm sửa Tết cho nhà mình và nhà ba mẹ chồng.

Hồng Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI