Đêm Trường Sơn có chúng mình ở đó

23/02/2015 - 13:25

PNO - PN - Chuyến này là chuyến thứ hai, họa sĩ Thái Hà “lai đáo Trường Sơn”. Nghe nói chuyến đầu tiên, anh đi cùng đoàn quân Nam tiến.

edf40wrjww2tblPage:Content

Anh thổ lộ, chuyến này anh sẽ rút tỉa được những kinh nghiệm quý, không còn chắc lưỡi phải chi, này kia, kia nọ như lần trước vượt núi băng ngàn, trăm bề thử thách gian nan.

Anh nhỏ to dặn dò anh em, nhứt là với Ngô Y Linh và tôi. Phải mua thật nhiều chỉ màu, kim tây, kẹp ba lá, hột cườm, kim tuyến, thuốc đỏ, nhứt là quần cụt, để đổi khoai mì, khoai lang, chó, gà, gạo nếp trồng trên nương rẫy ngon thơm, đặng mà bồi dưỡng sức khỏe... Anh em tán thêm, lần này không cần tiền mà hai bên đều sống chế độ “thế giới đại đồng”.

Thái Hà thấy anh em răm rắp nghe theo, lấy làm hài lòng nên cũng không căn dặn gì thêm. Ngô Y Linh và tôi len ra chợ Cửa Nam, chợ Hôm, có bao nhiêu tiền vét sạch mấy thứ Thái Hà dặn. Thái Hà vui lắm, lúc nào cũng đi tấm te, miệng cười chúm chím. Thấy chúng tôi bơ ngơ, báo ngáo, anh càng hào hứng: “Một cái quần đùi đổi một con chó mực, nhớ nhé!”.

Khởi sự ngày leo núi đầu tiên, sau khi mọi người thảy mấy viên sinh tố C vô miệng, rồi nhìn lên những áng mây trắng xốp là đà quấn quýt với chóp núi cao cao. Thái Hà “chào hàng” ngay bộ y phục hành quân đa năng của một họa sĩ: đây là ngôi nhà di động, tựa như chiếc tủ tàu bay(1). Hai cánh tủ là hai cánh tay áo có túi. Một túi đựng đồ nghề: viết, cọ vẽ, bút sắt, bột màu... Một túi là “trạm y tế”, đầy đủ thuốc đỏ, thuốc rắn, thuốc tiêu chảy, bông băng, cần gì có nấy. Còn hai vạt áo trước thiết kế thành bốn vạt trong ngoài. Vạt ngoài có thể đựng sữa bột, cơm vắt... coi như ngăn đựng thức ăn hằng ngày. Vạt trong đựng “sinh mạng” của mình, là các thứ giấy tờ, hình ảnh vợ con, giấy vẽ... Sau lưng là giá vẽ “đề mông táp”(2).

Có tiếng giao liên giục giã lên đường.

Dem Truong Son co chung minh o do

Thái Hà lẹ làng mang tất, tay cầm gậy. Trông anh to con, bặm trợn như lính nhảy dù, mặc dù anh vốn nhỏ con, ốm yếu, nhưng giờ thì... Ngô Y Linh nói: “Đúng là uy nghi hùng dũng. Đáng nể! Đáng nể!”.

Tiếp lời Ngô Y Linh khen không biết thiệt hay chơi, nhưng Thái Hà hết sức cảm kích. Anh nói: “Sau này, về tới miền Nam, tao sẽ tặng bộ đồ hành quân đa năng này cho nhà bảo tàng “kỷ vật chiến tranh”!”.

“Đoàn quân đi dưới nắng gắt gay”(3)... chưa được tuần lễ, thì trời đất chuyển mùa, giông mưa tầm tã. Lũ “vắt lá” có sọc xanh trên những cành cây rậm rạp bắt đầu ngo ngoe, đeo bám “tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt”, kẹt nách, kẽ tay. Còn dưới đất lũ vắt đen hùng hổ đánh hơi người, đo đạc hết sức hăng máu.

Phải nhìn nhận rằng cọp hùm không đáng sợ bằng vắt, chúng rần rần hút máu, không có xà bông, vôi, muối gì làm cho chúng mềm lòng. Có anh em hoảng loạn, phang gậy vô ống quyển bốp bốp. Có thể nói tinh thần dũng khí xuống khỏi nấc cuối cùng của hàn thử biểu.

Nhưng, Thái Hà đâu? Anh đứng trên gò đất cao, tuột đôi bít tất đầm màu da người, rách nát như một miếng mỡ chài dính đầy máu. Anh chửi thề mấy con mẹ bán đồ lót phụ nữ dám gạt ông, bán bít tất đầm cho ông kéo tới háng, bảo đảm an toàn, không con vi trùng nào lọt vô. Mấy mẻ đâu có biết ông phải dày sành đạp sỏi. Lũ vắt dã man thừa cơ ông bị gạt, chúng hút máu ông mà không đường ra. Cũng may ông không phổ biến cho bạn ông mua bít tất đầm ôn dịch!

Đồi trọc đã giải tỏa cơn hoảng loạn do lũ vắt gây ra cho đoàn quân. Thái Hà thoát nạn bít tất đầm, anh đi chân không, cà nhắc, cà nhắc về tới trạm. Hai lòng bàn chân anh dộp phồng mộng nước, anh sai Ngô Y Linh trở xuống suối múc nước nấu sôi, pha muối sát trùng cho anh rửa chân, anh lấy dao lam lạng từng miếng da dộp phồng, rửa nước muối, xức thuốc đỏ, lấy bông băng quấn lại trắng toát.

Dem Truong Son co chung minh o do

Vì Thái Hà, Ngô Y Linh và tôi được mang danh là “tổ tụt hậu”, nên Ngô Y Linh lo lắng hỏi:
- Ngày mai làm sao tiếp tục đi, hả ông anh?

Thái Hà thương cảm nhìn nhìn hai đứa vô tích sự:
- Đêm nay chân anh sẽ lành da non. Sáng mai “ta lại hành quân”. Không có hỏi lôi thôi gì cả!

Mà thật. Đừng có hỏi lôi thôi gì hết! Vì, không có gì vui hơn trưởng đoàn tuyên bố “quân ta” được nghỉ hai ngày.

Thái Hà xôm tụ ngay tắp lự:
- Mau mau sửa soạn dọn hàng. Có đồng bào xuống núi, lớp gồng gánh, lớp mang gùi, dắt chó...

Ôi, quần cụt, chỉ màu, hột cườm, kim tuyến, thuốc đỏ, kẹp ba lá...
Gà, khoai, gạo, nếp...

Hai bên chiếm hai bìa rừng. Kẻ đi tới, người đi lui. Ngượng ngùng, dè dặt, lạ hoắc, nhút nhát...

Chỉ có Ngô Y Linh làm như gặp đúng nghề. Anh thoa thuốc đỏ lên mặt, xỏ chỉ màu làm bộ thêu. Cười ngỏn ngoẻn với mấy em sơn nữ.

Mấy ông lãnh đạo các văn nghệ sĩ về R. cứ dòm chừng, nhắc nhở Ngô Y Linh, đừng có vui quá trớn, coi chừng bị phản ánh! Mà đâu có vui quá trớn gì. Đêm xuống mấy cô gái còn lùi khoai, nướng bắp rủ Kpa Púi(4) và Ngô Y Linh vô bản hát hò:

Dem Truong Son co chung minh o doỚ cái mùa xuân
Mùa con ong làm mật
Mùa con chim xây tổ làm nhà
Mùa hoa bí vàng
Mùa chúng mình lên nương lên rẫy
(5)...

Cà rịch cà tang, cà xích cà đụi ròng rã hơn ba tháng trời, tổ ba người lúc nào cũng “tụt hậu”, bị rầy rà, kiểm điểm lia lịa nhưng cuối cùng họ cũng về tới đích, tề tựu với anh em. Và, ông trời cũng khéo xếp đặt: Thái Hà về chợ, ở bên này đường, còn Lư Nhất Vũ - Lê Giang về chợ ở bên kia đường, họ ở đối diện nhau trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Chiều chiều nhìn qua cửa sổ hai nhà, tình nghĩa bạn Trường Sơn không cắt nghĩa được.

Còn Ngô Y Linh, gặp lại vợ con, “thỏa mãn dân cày” rồi, anh rắp tâm với ý đồ làm sáng đèn Nhà hát Lớn. Riêng ông bạn Thái Hà, bạn Trường Sơn của chúng ta, của chúng tôi, đã vẽ được bức tranh “Giải phóng” lớn nhất, đẹp nhứt của đời mình.

Ngày vĩnh biệt anh, tôi gửi anh mấy câu:

Trong bức tranh anh vẽ cuối cùng
Nơi góc khuất tôi nhận ra hình ngọn lửa
Đêm Trường Sơn có chúng mình ở đó...
”.

LÊ GIANG

(1) Loại tủ ngày xưa có cánh hai bên đựng ly tách
(2) Tháo lắp
(3) Ca khúc Quê hương anh Vệ quốc của Xuân Oanh
(4) Nhạc sĩ Kpa Púi, cùng trong đoàn, nhưng rẽ về Tây Nguyên
(5) Bài hát Mùa xuân của Kpa Púi

Từ khóa Trường Sơn
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI