Quán karaoke: Cháy là hết chạy

05/05/2014 - 16:59

PNO - PN - Trong đợt kiểm tra gần đây do Phòng Cảnh sát PCCC Q.1 triển khai, trong hơn 30 cơ sở vi phạm thì số cơ sở kinh doanh karaoke chiếm khoảng 20%.

edf40wrjww2tblPage:Content

Quan karaoke: Chay la het chay

Hầu như các quán karaoke đều được thiết kế bít bùng - Ảnh: P.V.

Tối 3/5, chúng tôi đến karaoke N. trên đường Cây Trâm, P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Quán này mặt tiền chỉ rộng khoảng 4m nhưng sâu hun hút. Bề ngang cầu thang bộ chưa đầy 1m, lối đi ở các hành lang vừa đủ cho một người to cao di chuyển. Bên trong phòng karaoke, không khí khá ngột ngạt do chủ quán đã bít ban công, lại không bố trí quạt thông gió. Quan sát kỹ, chúng tôi không thấy bất kỳ một đầu báo cháy tự động nào theo quy định bắt buộc đối với một cơ sở kinh doanh karaoke. Hỏi một nhân viên phục vụ: “Ở đây không có bình chữa cháy, lỡ có sự cố phải làm sao?”, anh này hồn nhiên: “Lúc đó... khui bia dập lửa!”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 7/2012, quán karaoke N., tiền thân là quán No., đã bị UBND Q.Gò Vấp xử phạt vì kinh doanh karaoke không phép. No. không chấp hành, kéo dài đến tận tháng 4/2013, buộc UBND quận phải gửi tiếp thông báo nhắc nhở lần hai và lần này thì chủ cơ sở... biệt tích khỏi địa phương, không hề nộp phạt. Biện pháp cưỡng chế của quận cũng bị “vô hiệu” vì căn nhà mà No. hoạt động là nhà thuê. Sau đó, tại địa chỉ cũ mọc lên karaoke N., na ná tên cơ sở cũ.

Quan karaoke: Chay la het chay

Tại karaoke G.Đ. gần góc đường Lê Hồng Phong - Ba Tháng Hai, khu vực sảnh khá thông thoáng, nhưng từ tầng một trở lên, tất cả không gian đều được tận dụng làm phòng hát. Lối lên các tầng và vào các phòng hát rộng chưa tới 1m, ánh sáng đèn màu mờ ảo chẳng khác một mê cung. Mỗi khi có khách vào, nhân viên của quán phải dùng đèn pin dẫn khách lên. Chúng tôi lo ngại hỏi lối thoát hiểm, một nhân viên của quán trả lời tỉnh bơ: “Có chuyện gì cứ chạy… ngược xuống”. Theo một nhân viên, quán được cải tạo lại từ nhà ở nên không có lối thoát hiểm. Trong khi đó, phần lớn vách phòng đều làm bằng gỗ hoặc thạch cao, sử dụng mút xốp để cách âm.

Trên đường Sư Vạn Hạnh (đoạn từ góc giao với đường Ba Tháng Hai đến đường Tô Hiến Thành) có không dưới chục quán karaoke lớn, nhỏ cũng trong cảnh thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Để tận dụng mặt bằng và cách âm tốt, phần lớn các quán karaoke ở đây đều thiết kế theo chuẩn chung là bao bọc thật kín toàn bộ ngôi nhà, cả cửa sổ và ban công. Cụ thể, tại quán karaoke N.T. (gần góc đường Sư Vạn Hạnh - Ba Tháng Hai), toàn bộ năm tầng của quán đều được bao bọc kín từ trên xuống dưới. Cách đó khoảng 100m là quán karaoke G.S., hai tầng trên dùng làm nhà ở vẫn để cửa sổ thông thoáng, nhưng hai tầng dưới kinh doanh karaoke thì gắn một bảng hiệu to tướng bít toàn bộ mặt trước hai tầng này. Hàng loạt cơ sở khác cũng tương tự. Trong khi đó, theo một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC, đây là kiểu thiết kế rất “kỵ” trong công tác PCCC, vì không chỉ tăng nguy cơ cháy nổ mà khi xảy ra cháy rất khó đưa nguồn nước vào chữa cháy. Đã nhiều vụ cháy xảy ra tại những công trình tương tự và hậu quả thường là rất nặng nề.

Quan karaoke: Chay la het chay

Vách cách âm được làm từ mút xốp dễ cháy (ảnh chụp từ mặt sau của phòng hát)

XEM THƯỜNG PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Theo anh Nguyễn Tuấn Vũ (chủ doanh nghiệp Tuấn Vũ, chuyên thiết kế âm thanh, ánh sáng cho cơ sở karaoke, Q.3), việc thiết kế quán karaoke lẽ ra phải được thực hiện từ bước xây dựng phần thô công trình. Vì cơ sở kinh doanh karaoke cần cách âm tốt nên phải xây tường thật dày để đảm bảo giảm rung, cách âm. Tuy nhiên, do phần lớn các quán karaoke đều được cải tạo từ nhà ở nên thường thiết kế dạng hình hộp, dùng các vật liệu như mút xốp để cách âm. Việc thiết kế này khiến không khí bên trong rất nóng và ngột ngạt. Vì vậy, chủ quán phải cho dùng nhiều máy lạnh có công suất lớn… Ngoài ra, kiểu thiết kế này thường cuốn chung đường điện chiếu sáng với đường dây thoát hơi của máy lạnh, rất dễ xảy ra cháy nổ.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, hiện toàn TP có khoảng 420 điểm kinh doanh karaoke được cấp phép. Từ năm 2005, TP.HCM không cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường mới theo chỉ thị của Chính phủ nên hàng ngàn cơ sở kinh doanh karaoke không phép đã mọc lên theo giấy phép… phòng thu âm. Từ đó, các cơ sở này cũng “lơ” luôn các quy định về tiêu chuẩn PCCC.

Riêng đối với các cơ sở có phép, theo một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC, Sở thường xuyên yêu cầu các cơ sở tổ chức diễn tập phương án PCCC có sự tham gia của lực lượng cảnh sát PCCC. Tuy nhiên, các chủ cơ sở thường tìm cách “né” diễn tập vì ngại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, việc diễn tập phòng chống cháy, nổ vô cùng quan trọng, giúp các đơn vị kinh doanh luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy nổ. Để đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ tại các cơ sở này, Sở Cảnh sát PCCC đã thường xuyên tổ chức kiểm tra và đã nhiều lần phát hiện các vi phạm an toàn PCCC như: đèn chiếu sáng sự cố và biển chỉ dẫn thoát nạn có cũng như không; lực lượng chữa cháy tại chỗ không sử dụng thành thạo các trang thiết bị PCCC; nhiều cơ sở thay đổi hình thức phòng, trang trí để thu hút khách nhưng quên bổ sung những thay đổi này vào phương án chữa cháy…

Quan karaoke: Chay la het chay

Vật liệu dễ cháy dùng để cách âm cho các quán karaoke

Theo Trung tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Q.1, các quán karaoke có nguy cơ cháy cao là do mặt bằng kinh doanh trước đây đa phần là nhà dân, văn phòng. Khi chủ cơ sở kinh doanh karaoke thuê lại, họ đã thay đổi công năng và không được thẩm duyệt về PCCC. Cụ thể, đối với các phòng 15m2 trở lên, theo quy định phải có hai lối thoát nạn nhưng đa số chỉ có lối đi bằng cửa chính. Việc phòng cháy cho một cơ sở karaoke khá phức tạp do kinh doanh karaoke đòi hỏi phải cách âm, trang trí và sử dụng nhiều vật liệu dễ cháy. Vì vậy, khi thay đổi công năng một căn nhà ống đơn thuần để kinh doanh karaoke mà không được thẩm định về PCCC, đồng nghĩa với việc chủ kinh doanh đã chấp nhận tăng rủi ro về hỏa hoạn, tăng nguy hiểm cho khách hàng và nhân viên. Chủ cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với những vấn đề này. Khi phát hiện những lỗi vi phạm có nguy cơ cháy trực tiếp, nguy hiểm, chủ cơ sở là cá nhân vi phạm có thể bị phạt 40 triệu đồng. Riêng đối với doanh nghiệp hoặc tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi và đình chỉ hoạt động.

Trong đợt kiểm tra gần đây do Phòng Cảnh sát PCCC Q.1 triển khai, trong hơn 30 cơ sở vi phạm thì số cơ sở kinh doanh karaoke chiếm khoảng 20%.

 Minh Dũng - Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI