Nét chữ đời người

28/04/2014 - 10:46

PNO - PN - John W. là một giáo sư người Úc, sang Việt Nam dạy học tình nguyện sau 40 năm dạy ở đại học quốc tế Nhật Bản, đã đến tuổi về hưu. Nhiều cựu sinh viên của ông sau này trở thành các nhà lãnh đạo cao cấp của nhiều nước.

 Ông không có địa chỉ email, không sử dụng internet, từng xuất bản rất nhiều sách, có hàng trăm công trình nghiên cứu, tất cả đều viết tay! Tôi đến thăm ông khi ông đang ngồi cặm cụi viết nhận xét bài kiểm tra cho sinh viên. Nét chữ tuyệt đẹp, bay bổng mà vững vàng, nét thanh rất thanh, nét đậm rất đậm. Thứ bút ông dùng có ngòi bút tòe ra, ai không quen dùng là chịu chết. Vậy mà ông viết có vẻ nhẹ nhàng, những hàng chữ đều tăm tắp. Ngồi nói chuyện với ông chắc cả ngày không hết chuyện.

Net chu  doi nguoi
Ảnh minh họa: Nhạc sĩ Quốc Bảo

Ông có thể mô tả rất say sưa, sống động những cơn mưa chiều vùng rừng núi Nhật Bản và ngay sau đó là chuyển sang kể về một người bạn mới đến thăm ông hôm qua. Đấy là một ả chuột nhà dạn dĩ, ngồi trên nóc máy giặt, nhìn ông như thể muốn khẳng định ai mới là chủ nhân thực sự của góc ban công, nơi ông vẫn ngồi hàng giờ ngắm đường phố Hà Nội. Ông khoe, sau đó, nàng chuột đã dẫn cả đại gia đình ra mắt ông, xếp hàng lượn qua trước mặt ông, rồi biến mất... Ông đã ngoài 70 tuổi nhưng tôi thấy ông không giống một ông già mà cứ như một cậu bé lớn xác, hiền lành, hóm hỉnh và ngồ ngộ.

Tôi đã cố kìm nén câu hỏi: Tại sao ông không dùng internet, không có địa chỉ email và chỉ viết bằng bút? Tôi chắc, không một người nào mới quen ông mà không muốn hỏi câu đó. Tôi muốn quan sát ông, tự mình suy nghĩ và thử tìm câu trả lời. Câu trả lời đã chợt đến với tôi trên đường đưa sinh viên đi chơi Sa Pa, qua một hình ảnh gián tiếp. Tôi để ý thấy các bạn trẻ ngồi trên xe ai cũng chăm chăm cầm điện thoại hoặc nhắm mắt đeo tai nghe, chẳng ai nhìn ra cửa sổ, ngắm núi đồi với những ruộng bậc thang xếp nếp bên nhau trong ánh sáng hiền hòa của mùa xuân.

Tôi chợt nhớ lại tuổi trẻ của mình, nhớ lại những chuyến xe dã ngoại như thế này, chúng tôi đùa nghịch, reo hò hát ca trong khi một vài cô cậu khác thì mơ mộng nhìn không chán ra ngoài cửa sổ. Thời đó làm gì có internet, có iphone, ipad mà mê mải. Chúng tôi chưa bị hút hồn bởi cái thế giới ảo do công nghệ dẫn lối. Chúng tôi có cơ hội gần với thiên nhiên, sống với thế giới chân thật quanh mình... Và tôi chợt hiểu, thế giới của giáo sư John W., của tuổi trẻ của tôi đang dần chết! Cái thế giới “thật” khi người ta viết thư tay cho nhau. Viết một chữ phải nghĩ thật kỹ, vì viết ra rồi thì khó tẩy xóa. Ý nghĩ vì thế mà được thể hiện chậm hơn, được thanh tẩy chu đáo trước khi xuống đến ngòi bút, hiện ra thành chữ. Viết chữ bằng tay khiến ta chú tâm hơn vào việc mình đang làm, bởi nếu không thì không thể giữ được nét bút thẳng hàng, đều đặn. Nó dạy cho ta tính kiên nhẫn, cẩn thận, trung thực. Nét chữ của bạn như thế nào thì hiện ra thế ấy, không phải như đổi font chữ trong nháy mắt. Viết chữ bằng tay còn dạy cho bạn cả tình yêu, vì ta sẽ biết yêu thương những gì phải khó khăn mới đạt được hơn là chỉ đơn giản là nhấn bàn phím, thích thì đánh máy tiếp, không thích thì chỉ cần delete là xong. Chúng ta đánh máy và đọc các bản in đã thành thói quen. Chúng ta không còn được có cảm giác bồi hồi xúc động khi nhìn lại trang nhật ký viết tay, đọc lá thư của những người thân yêu với nét chữ rất riêng...

Càng ngẫm nghĩ, tôi càng thấu hiểu vì sao giáo sư John W., một con người uyên bác, lớn lên và làm việc ở những đất nước phát triển lại khăng khăng chối bỏ những gì cả loài người đang tự hào và ra sức khuếch trương. Tôi nghĩ, những con người thông tuệ luôn nắm giữ được chìa khóa mở vào cánh cửa bí ẩn của sự “thấy”, nhưng họ thường đơn độc giữa đám đông đang lao đi mù quáng. Có người chọn cái chết, một số khác chọn sự cực đoan. Phải chăng, họ muốn theo cách riêng của mình, mách bảo chúng ta, cảnh tỉnh chúng ta, một điều gì đó, cơ bản lắm, cho sự sống còn của CON NGƯỜI? 

HÀM ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI