“Giữa không gian xanh mướt và yên bình, hai đứa trẻ mới biết chạy vừa rượt đuổi nhau vừa cười vang. Hai bà mẹ ngồi cách đó không xa, say sưa “tám” chuyện, thỉnh thoảng mới liếc nhìn con. Phía xa xa, một cậu bé khác đang loay hoay với chiếc xe thăng bằng, mẹ em thì thư thả đạp xe vòng quanh.
Không ít những bà mẹ và con trẻ như thế trong công viên đang tận hưởng những khoảnh khắc yên bình ấy. Cảnh tượng đẹp như tranh ấy là dấu ấn đầu tiên tôi - một người khách xa mới chuyển đến sống ở Hà Lan, ghi nhận được”.
Đoạn giới thiệu quyển sách của hai tác giả người Mỹ và Anh Rina Mae Acosta và Michele Hutchison chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai chưa biết nhiều về cuộc sống của những đứa trẻ Hà Lan cũng phải tò mò. Cùng trải nghiệm cuộc sống ở Hà Lan, Rina và Michele đã ngồi lại cùng nhau để chắt chiu những điều mắt thấy tai nghe này.
|
Trẻ thơ Hà Lan thỏa sức chơi đùa - ẢNH: TELEGRAPH |
Nhiều năm qua, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc luôn chọn Hà Lan là quốc gia có trẻ em hạnh phúc nhất thế giới. Khi được hỏi, 95% trẻ em Hà Lan đều tự tin khẳng định mình luôn rất vui. Nhiều nghiên cứu độc lập của các nhà xã hội học với những đứa trẻ ở đây đều cho thấy: trẻ em Hà Lan cười nhiều và được ôm ấp nhiều hơn. Chúng dễ lấy lại bình tĩnh sau khi gặp sự cố, không căng thẳng và dễ nổi nóng như trẻ em ở nhiều nơi khác.
Rina Mae Acosta là một cây bút người Mỹ gốc Á. Nhiều năm trước, cô đến châu Âu làm việc. Cô chọn Hà Lan làm nơi dừng chân vì muốn tận mắt chứng kiến những gì diễn ra với cuộc sống trẻ thơ nơi này.Xã hội Hà Lan không buộc bất cứ ai phải hy sinh hạnh phúc riêng tư, mỗi người luôn ý thức về việc cân bằng giữa gia đình và công việc.
Mỗi tuần, trung bình mỗi người Hà Lan làm việc 29 giờ và dành ít nhất một ngày hoàn toàn cho mình và cho con. Có một nguyên tắc ở Hà Lan: bố mẹ hạnh phúc, con sẽ hạnh phúc. Họ không phải chịu áp lực nuôi con theo kiểu gì, con phải đạt được chuẩn phát triển nào, mà chỉ đóng vai trò đồng hành, không tranh hết phần việc của con, để con có cơ hội tự trải nghiệm. Rina và Michele đều công nhận, ở Hà Lan hiếm khi có những cuộc “đối đầu” giữa cha mẹ-con cái, vì cha mẹ không bao giờ áp đặt bất cứ điều gì cho con.
Michele chia sẻ: “Nếp nghĩ hoàn toàn khác ở Hà Lan khiến tôi cảm thấy làm mẹ thật vui và nhẹ nhàng. Tôi không khổ sở mơ giùm con hay buộc con phải thành bản sao của mình như cách nghĩ của đa phần phụ huynh nơi tôi sinh ra, lớn lên.
Tôi nhận ra, mình phải tránh đi vào lối mòn của cha mẹ (dù yêu thương nhưng đặt quá nhiều kỳ vọng vào con) khiến tôi một thời rất hoang mang”.
Áp lực học tập dường như không có ở Hà Lan. Trẻ ở tuổi lên hai không bị “soi” liệu mình có tố chất thần đồng hay không. Cũng không có những quyển sách “kích hoạt” trí thông minh của trẻ, những món đồ chơi dạy phát triển kỹ năng… Trẻ có thể học chữ và số trước tuổi đi học chính thức (sáu tuổi) nhưng giáo viên không có sự phân biệt đối với các em.
Nhờ vậy, trẻ không chịu áp lực phải so kè với bất cứ ai. Phụ huynh Hà Lan không trông đợi con mình trở thành người xuất chúng, chỉ mong con nhận được cuộc sống thoải mái nhất về tinh thần có thể. Cách nghĩ này trái ngược với những gì đang diễn ra ở Mỹ và Anh, nơi phụ huynh luôn bị ám ảnh bởi “giai đoạn vàng phát triển của con”, không ngừng nhồi nhét những điều con mình không thực sự mong muốn trong khi lại không dành đủ thời gian bên con.
Hậu quả, họ vô tình “nhào nặn” những đứa trẻ theo cách nghĩ của mình, khiến trẻ luôn sống trong căng thẳng và cô đơn. Trẻ em Hà Lan được phép tự lái xe đến trường, thỏa thích vẫy vùng trong màn mưa hoặc sang nhà bạn chơi sau khi tan học mà không bao giờ có bố mẹ theo kèm. Điều đó đồng nghĩa là các em được công nhận như một cá thể độc lập.
Ở Hà Lan, cha mẹ và con có khoảng thời gian kết nối vô cùng đặc biệt là bữa ăn sáng. 85% trẻ dưới 15 tuổi cho biết, mỗi sáng các em đều ngồi vào bàn ăn cùng cha mẹ, bắt đầu câu chuyện ngày mới với người thân yêu.
Chọn cách sống giản dị, giảm thiểu tiêu xài hoang phí là cách người Hà Lan dạy con từ trong vô thức. Trẻ em ở đất nước này không bị thu hút bởi nhiều đồ chơi màu sắc sặc sỡ, mà sẵn sàng dùng đồ chơi xài lại. Một món quà sinh nhật cho trẻ không bao giờ quá 10 EUR.
Trong khi đó, ở Anh, Mỹ và nhiều nước khác, trẻ em luôn là đối tượng khách hàng các chiến dịch quảng cáo hướng đến, đánh vào tâm lý cha mẹ không muốn con mình thua kém ai. Những đứa trẻ Hà Lan hạnh phúc vì chúng không phải “mang vác” quá nhiều món đồ không thật sự hữu ích bên mình.
Hai tác giả nhấn mạnh, bí quyết để trẻ sống hạnh phúc thật ra là vô cùng đơn giản. Đó là sự kết nối của tình thương, sự tôn trọng, gần gũi và thấu hiểu mà phụ huynh dành cho con mình.
Thiên Thư
(Theo )