Dệt tình bên khung lụa

18/04/2016 - 16:00

PNO - Bà Đàng Thị Tình (68 tuổi) bảo, suốt 50 năm qua, bà và ông Quảng Đầm (70 tuổi) chưa hề xa nhau nửa bước.

Chỉ thế thôi, mà ân nghĩa vợ chồng ngày một đầy. Ở làng lụa Hội An (Quảng Nam), họ là đôi vợ chồng người chăm hiếm hoi cùng làm nghề dệt lụa tơ tằm.

Hình ảnh quen thuộc thường ngày của họ là trong lúc bà luôn tay dệt những tấm thổ cẩm Chăm thì người đàn ông của mình ngồi kế bên không ngơi tay xe từng sợi tơ cho vợ. Giữa tiếng thoi đưa lách cách, ông bà chuyện trò cùng nhau, tiếng cười rổn rảng gợi cảm giác yên bình. Bà Tình bảo: “Vài năm trở lại đây, khi các làng nghề dệt lụa tìm cách khôi phục, gìn giữ nghề truyền thống thì tui được nhiều nơi mời đến trình diễn và làm nghề. Ba năm ni ra làng lụa Hội An, đi xa cũng nhớ nhà, nhớ con cháu lắm nhưng được cái đi đâu cũng có ông ấy theo cùng”. Hồi tưởng cuộc đời mình, bà kể, 10 tuổi đã mồ côi mẹ, đi ở mướn chăm em cho người ta, lớn lên chút nữa thì về nhà theo các chị học nghề dệt lụa tơ tằm. “Vất vả lắm nhưng không lo bằng… liệu có cưới được chồng bởi mình không cha mẹ, dễ gì người ta chọn” - bà bẽn lẽn.

Bà Tình quê ở tỉnh Ninh Thuận. Tuổi trăng tròn, bà được coi là cô gái đẹp nhất nhì làng dệt truyền thống Mỹ Nghiệp của tỉnh này và là một tay thợ dệt với nhiều hoa văn sáng tạo có tiếng. Nhiều chàng trai theo đuổi nhưng bà bảo, chỉ kết có mỗi ông - người chung xóm - vì tính ông hiền lành, điềm đạm.

Bà kể vui: “Hồi đó cứ đêm đến là ông ấy có mặt ở nhà tui, hai người ngồi tuốt hai đầu khung dệt. Nhiều lúc ngồi không yên, ông ấy vừa nói chuyện vừa nhích lại phía mình, ngại lắm”. Ông Đầm ngồi cạnh, nghe vợ hồi tưởng cũng nở nụ cười tươi, những nếp nhăn trên gương mặt dãn ra, như trở lại thời thanh xuân tươi trẻ. “Ngày đó bà ấy đẹp gái, giỏi nghề lại khéo thu vén nên mình ưng bụng lắm” - ông phụ họa theo vợ.

Det tinh ben khung lua
Hai ông bà bên khung dệt

Sau ngày se duyên kết tóc trăm năm, cuộc sống đầy chật vật, khó khăn khi liền tù tì 10 đứa con chào đời. Bà trải lòng: “Ở tuổi ăn tuổi học của các con, hai vợ chồng quần quật tối ngày, không có giờ nghỉ. Nhiều lúc nhìn ông vất vả, cầm lòng không đặng, nên phụ ổng được việc gì, tôi chẳng ngại”. Rồi bà tự hào, cực thì cực, vất vả mấy vợ chồng chẳng khi nào to tiếng. “Đàn bà mình, hơn ai cũng được nhưng nhất định phải… thua chồng. Nghĩ thế và làm thế là yên ấm cả thôi” - bà nói.

Nhà nghèo, nghề dệt lụa tơ tằm dày công nhưng ít khách mua. Đôi vai ông bà oằn gánh áo cơm cho đàn con nhỏ. Hết đứa này đến đứa khác nối gót đến trường. “Nhiều lúc thằng con ở phố nhắn về, ba mẹ có tiền thì tháng này cho con xin thêm một trăm ngàn đồng mua sách. Nhưng nếu ba mẹ kẹt quá thì con sẽ tiết kiệm tiền ăn rồi mua dần. Chúng tôi chẳng bao giờ có sẵn tiền, nhận được thư con, chỉ biết thức thâu đêm dệt lụa, đặng mai bán cho con thêm tí chút” - ông Đầm rưng rưng nhớ chuyện cũ.

Bươn theo cái khổ nghèo, vậy mà 10 người con của ông bà đều học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định, hết mực hiếu thảo với cha mẹ. Rồi các con “tách đàn”, lập gia đình. Nhưng không vì thảnh thơi mà ông bà thôi không dệt lụa, ngược lại còn chuyên tâm hơn bởi đã quá yêu thích, đam mê.

Tiếng tăm về tay nghề ngày một vang xa. Vài năm trở lại đây, những người tâm huyết với tơ lụa nỗ lực vực dậy các làng nghề, đưa lụa vào đời sống đương đại. Các làng nghề khắp nơi tìm đến mời ông bà đi trình diễn nghề dệt. “Năm chục năm chồng vợ gian khó bên nhau, chừ chúng tôi lại bên nhau cùng đi tiếp. Từ Bắc vào Nam, trình diễn nghề ở đâu chúng tôi cũng có nhau, chẳng rời” - bà nói. Hỏi bà có lúc nào muốn rong chơi một mình sau mấy chục năm gắn với ông như hình với bóng, bà cười, nhìn ông bẽn lẽn: “Tình nghĩa vợ chồng thiêng liêng lắm, răng mà chán mà muốn rời bỏ để thong dong một mình cho được. Dù đi đâu, qua đoạn đường nào cũng muốn có nhau, cùng nhau đi qua hết”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI