Một số nhà cung cấp chỉ tập trung cung ứng hàng may mặc cho hệ thống siêu thị Big C Việt Nam nên hoàn toàn bị động khi siêu thị này ngưng hợp đồng. Theo một số nhà cung cấp hàng may mặc, dù phải chiết khấu cao, họ vẫn bám Big C vì đây là nơi tiêu thụ lượng hàng lớn tại Việt Nam.
Dành 90% lượng sản phẩm cung cấp cho Big C
Khu bán hàng may mặc tại Big C khá vắng khách, hàng hóa bày lộn xộn, khách chê mẫu mã kém hấp dẫn. Tại Việt Nam, Big C không phải là đối tác duy nhất tiêu thụ các mặt hàng dệt may của 200 doanh nghiệp Việt. Thế nhưng, theo một số nhà cung ứng mặt hàng may mặc, doanh thu từ chuỗi bán lẻ này lại đóng góp phần lớn (từ 70-80%) trong tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Chị Hương, đại diện Công ty may mặc Khang Thành cho biết, chị làm ăn với Big C từ năm 2008, đến nay, xưởng may nhà chị có gần 60 công nhân.
|
BigC thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi cho ngành hàng thời trang |
Tháng 8/2018, đích thân đại diện Big C đến tham quan nhà xưởng, kiểm tra những nhà cung cấp nguyên phụ liệu, mục đích là giám sát việc tuân thủ yêu cầu về chất lượng của Bộ Công thương. Hiện doanh nghiệp đang làm nhãn hàng riêng cho Big C, gồm ý tưởng, chất liệu… Theo chị Hương, mức chiết khấu mỗi năm một cao, trong khi mọi chi phí sản xuất đều tăng. “Mỗi khi thấy có sự tăng trưởng, Big C lại tăng chiết khấu nên lợi nhuận của nhà cung cấp cũng đứng yên” - chị Hương nói.
Thế nhưng, theo chị Hương, dù phải chiết khấu cao, các nhà cung cấp vẫn bám Big C vì đây là nơi tiêu thụ lượng hàng lớn. Hệ thống Big C có 33 đại siêu thị tại Việt Nam, nhiều gấp ba lần Lotte, Aeon Mall và gấp hàng chục lần Emart. Họ chỉ thua mỗi Co.opmart. Nhưng hệ thống của Co.op quá cũ và lỗi thời, không tích hợp những khu phức hợp thương mại.
|
Thời trang là một những sản phẩm tiêu thụ tốt tại BigC |
Công ty của chị Hương đã ký lại hợp đồng với Big C từ cuối tháng 6/2019. Một số thông tin cho rằng, trong tương lai, những sản phẩm không phù hợp theo yêu cầu của Big C sẽ bị gạt bỏ khỏi siêu thị. Chị Hương đánh giá, nếu Big C nêu tiêu chí và tổ chức đánh giá nhà cung cấp, đưa ra thời hạn rõ ràng, nhà cung cấp sẽ không bị sốc.
“Nhưng họ đơn phương gửi thông báo vào ban đêm về việc ngừng nhập hàng, rõ ràng họ đã phá vỡ cam kết” - chị Hương nói. Công ty của chị Hương có hơn 10 năm hợp tác với Big C trong lĩnh vực áo quần trẻ em, 90% lượng sản phẩm của công ty dành cung cấp cho Big C.
Big C tự đặt ra “luật chơi” khi tái ký hợp đồng
Mới đây, thông tin Big C tái ký hợp đồng với 50 doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã được tung ra, nhưng doanh nghiệp Việt không đặt nhiều kỳ vọng. Đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ, đối với hợp đồng năm 2019, mức chiết khấu mà Big C đề nghị tăng đột biến, riêng các đơn vị gia công thương hiệu riêng cho Big C có mức chiết khấu lên đến 5%.
Chị Hương cho biết, không chỉ tăng chiết khấu, năm nay, nhà cung cấp cũng không có cơ hội đàm phán, chỉ được yêu cầu ký vào bản hợp đồng mà phía Big C đã soạn sẵn. “10g, họ yêu cầu ký hợp đồng và bên cung cấp chỉ có vài giờ để cân nhắc. Họ tự đặt ra luật chơi và yêu cầu bên cung ứng thực hiện”, chị Hương nói.
|
Người bán cho rằng động thái mở lại đơn hàng của BigC là hành động "xoa dịu" nhà may mặc trong thời điểm hiện tại |
Theo chị Hương, trên hợp đồng không đề cập số lượng đơn hàng, chỉ là hợp đồng hợp tác thương mại, hợp đồng nguyên tắc. Trong khi năm trước, doanh nghiệp Việt có thời gian đàm phán, thương thảo hợp đồng, thỏa thuận về mức chiết khấu.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, trong 200 đơn vị cung ứng hàng dệt may vào chuỗi Big C, có những đơn vị đã hết hạn hợp đồng với đối tác này và chưa tái ký bởi “Big C tăng chiết khấu quá cao và hai bên chưa nhất trí mức thỏa thuận”.
Trong một diễn biến khác, một số chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị của Việt Nam đã liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng hàng may mặc để thu mua sản phẩm. “Các siêu thị khác cùng đồng hành, sẵn sàng nhập hàng, cùng quảng bá thương hiệu để cộng đồng mạng và người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt”, chị Thọ, chủ Công ty May mặc Đài Trang, chia sẻ. Theo chị Thọ, các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã cho các chuỗi siêu thị khác để ứng phó với trường hợp Big C quay lưng với hàng Việt.
Hàng may mặc tại Big C bị khách “ngó lơ”
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, sau thông tin Big C tạm ngừng nhập hàng may mặc của doanh nghiệp Việt, tại hệ thống siêu thị Big C ở TP.HCM vẫn bày bán các mặt hàng này.
|
Một gốc hàng quần áo phụ nữ và trẻ em tại BigC Miền Đông không một bóng khách hàng |
Cụ thể, tại Big C Miền Đông, không chỉ các mặt hàng thời trang trong nước, còn có các quần áo từ Trung Quốc. Khu vực bố trí hàng may mặc được đặt ở nơi bắt mắt nhất siêu thị và rải rác ở các khu vực khác với nhiều chủng loại, mẫu mã. Theo quan sát của chúng tôi, lượng khách mua hàng thời trang ở đây ít ỏi, thưa vắng. Tình trạng tương tự diễn ra ở Big C Cantavil (Q.2), Big C
An Lạc (Q.Bình Tân)…
Hàng may mặc ở Big C có mức giá rẻ so với hàng may mặc bán ở các hệ thống khác như Co.op, Vinmart hay Emart… Giá rẻ là chiến lược từng tạo nên thế mạnh cho Big C nhưng dường như chiến lược này không còn đúng. Theo chị Nguyệt Anh (Q.2, TP.HCM), tại các đô thị lớn, người dân đã có mức sống và thu nhập cao hơn; họ quan tâm đến hình thức, chất lượng sản phẩm chứ không chỉ quan tâm giá rẻ.
Quốc Thái