Khi chủ DN nước ngoài bỏ trốn, chính quyền "đổ nợ", tòa án "đứng hình"

10/07/2014 - 08:07

PNO - PN - Báo Phụ Nữ vừa nhận được lời kêu cứu của công nhân Công ty PIA Toàn Cầu (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM). Chủ doanh nghiệp này vừa bỏ trốn, người lao động rơi vào cảnh mất việc, 33 nữ công nhân đang mang thai mất hoàn toàn chế...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi chu DN nuoc ngoai bo tron, chinh quyen  

Ông Nguyễn Thanh Triều - Phó chủ tịch LĐLĐ Q.12 đang trao tiền hỗ trợ đột xuất cho các nữ công nhân cũ của PIA Toàn Cầu  - Ảnh: H.Huyền

Quỵt lương, quỵt luôn bảo hiểm xã hội

Gần bảy tháng sau khi chủ Công ty (CT) SB International (Q.Bình Tân, TP.HCM) là người Hàn Quốc “mất tích”, hàng trăm người lao động (NLĐ) vẫn trông chờ sẽ được trả nợ hai tháng lương trước đó (tháng 10 và 11/2013). Chị Nguyễn Thị Phượng (quê Kiên Giang) từng làm công nhân của CT SB International, bị nợ hai tháng lương, mỗi tháng khoảng sáu triệu đồng cho biết: “Suốt từ cuối năm 2013 đến nay, gia đình tôi luôn phải sống trong cảnh nợ nần vì không có tiền”. Lương bị nợ, không có việc làm mới, cuộc sống của nhiều công nhân của những CT có chủ là người nước ngoài bỏ trốn lâm vào tình cảnh bi đát.

Năm 2011, Tạ Nguyễn Thanh Vân rời Khánh Hòa vào TP.HCM kiếm việc làm và được nhận vào CT Kyung Sung Vina (H.Hóc Môn, TP.HCM). Làm việc chưa được bao lâu, cuối năm 2013, chủ CT bỏ trốn, Vân và hàng trăm NLĐ khác rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Tính đến thời điểm cuối cùng CT còn hoạt động, Kyung Sung Vina nợ từ một tháng rưỡi đến hai tháng lương của hàng trăm công nhân và quỵt luôn khoản thưởng lương tháng 13 của họ.

Sau khi chủ CT Kyung Sung Vina bỏ trốn vài ngày, Phòng LĐ-TB-XH huyện Hóc Môn đã niêm phong máy móc của CT, hướng dẫn công nhân làm đơn khởi kiện ra tòa án huyện. Tòa án tiếp nhận hồ sơ nhưng sau gần một năm trời, khoản nợ lương của công nhân vẫn chưa được giải quyết. Chị Nguyễn Thị Mộng Hà, công nhân CT Kyung Sung Vina bức xúc: “Nếu thanh lý máy móc ở xưởng sẽ đủ tiền trả khoản nợ lương cho công nhân, nhưng không hiểu vì sao chính quyền lại dây dưa, chậm chạp như vậy”.

Ngoài việc bị nợ lương và tiền thưởng Tết, NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp (DN) có chủ bỏ trốn còn bị “quỵt” luôn tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Chị Phượng cho biết, muốn đi làm chỗ khác thì phải làm thủ tục rút sổ BHXH ở CT SB International, nhưng tháng 4/2014 vừa qua, khi chị lên hỏi trực tiếp bà Đinh Phạm Dạ Thảo (người được thuê làm giám đốc trước khi chủ bỏ trốn) thì câu trả lời là không biết. Tính từ năm 2008 đến nay, tổng số nợ BHXH của tất cả các DN trên địa bàn TP.HCM lên đến hơn 789 tỷ đồng, trong đó có đến 98 DN có chủ bỏ trốn và giải thể. Sau khi BHXH TP.HCM và BHXH các quận huyện khởi kiện, số nợ thu hồi được chỉ 467 tỷ đồng. Riêng với những chủ DN “mất tích” hẳn như PIA Toàn Cầu, coi như NLĐ lẫn BHXH mất trắng.

Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Do luật pháp chúng ta lỏng lẻo, nên nhiều DN đã “quỵt” tiền BHXH của công nhân với số tiền lên đến vài chục tỷ đồng. Cho dù BHXH khởi kiện và thắng kiện, cơ quan thi hành án vẫn khó thi hành. Với những DN nước ngoài có mưu đồ trục lợi từ đầu và bỏ trốn, càng khó thu hồi nợ BHXH”.

Bất ngờ trắng tay

Khi chủ CT PIA Toàn Cầu biến mất, ngoài mấy trăm công nhân, còn có hàng chục gia đình khác liên lụy vì bị Lee Sang Soo - chủ DN này quỵt nợ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng; trong đó có cả người giúp việc, người thu mua ve chai và người bán suất ăn công nghiệp cho CT… Ông Bùi Thanh Bạch, hộ thu gom rác của CT PIA Toàn cầu cầm tờ giấy nợ 100 triệu đồng có mộc đỏ và chữ ký của Lee Sang Soo nước mắt lưng tròng: “10 năm thu gom rác công nghiệp, tôi đã một lần bị DN mượn tiền rồi phá sản, nhưng sau đó họ cũng trả tôi từ từ, đàng hoàng, không ai như Lee Sang Soo. Trước ngày bỏ trốn, anh ta còn ngỏ lời mượn tôi thêm 100 triệu, hứa trả ngay hôm sau, may mà lúc đó tôi không có tiền”.

Bằng cách lấy uy tín lẫn con dấu của CT, Lee Sang Soo đã mượn tiền của nhiều NLĐ và cả đối tác làm ăn của anh ta. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - chủ xưởng nói: “Sau khi hay tin tôi trả lương cho công nhân, những nạn nhân mới của Lee Sang Soo mới mang giấy nợ đến kêu khóc vì đến lúc đó họ mới tin là anh ta trốn thật. Đốn mạt lắm, anh ta vay cả tiền của người giúp việc nhà, quỵt của chị ấy gần bốn tháng lương không trả. Anh ta bỏ đi cả tháng chị ấy mới biết mình mất trắng”. Chị N.T., chủ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp cho CT PIA Toàn Cầu hơn một năm qua, vừa khóc, vừa cho biết: “Hơn 300 triệu đồng của tôi đã đổ sông, đổ biển rồi!”. Cũng như anh Bạch, cả nhà chị N.T. sống nhờ vào quán cơm. Khi cho Lee Sang Soo nợ gối đầu với số tiền lớn như vậy, chị cũng phải mua nợ gạo, thịt, cá của các chủ hàng khác. Lee biến mất, chị chẳng biết lấy tiền đâu để trả cho những bạn hàng...

Chính quyền cũng… “khóc”

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM, chỉ trong năm 2013, ở TP.HCM đã có tổng cộng năm vụ chủ DN bỏ trốn và nợ lương của NLĐ gồm: CT TNHH Sae Hwa Vina (Hàn Quốc) - H.Củ Chi; CT TNHH may mặc Long Đại Phát - Q.12; CT TNHH Il Shin Womo (Hàn Quốc) - H.Củ Chi; Chi nhánh CT CP Nông thủy sản xuất khẩu Tùng Bách, Q.Thủ Đức; CT Kyung Sung Vina (Hàn Quốc) - H.Hóc Môn.

Bên cạnh việc giải quyết chi trả lương, BHXH và tìm kiếm việc làm mới cho NLĐ, việc thanh lý tài sản của các DN bỏ trốn này cũng khiến chính quyền đau đầu. Đơn cử, sau khi tổng giám đốc người Đài Loan của CT TNHH dệt len Magnicon (100% vốn Đài Loan, chuyên dệt len xuất khẩu ở P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) bỏ trốn với số nợ lương công nhân hơn một tỷ đồng, do vướng các thủ tục pháp lý về việc tuyên bố phá sản DN có vốn đầu tư nước ngoài cho nên kho bãi, nhà xưởng của CT này bị niêm phong suốt bốn năm. UBND Q.12 bỗng dưng mang nợ, vì phải thuê một CT bảo vệ kho hàng bị niêm phong này với chi phí lên đến 24 triệu đồng/tháng. Chưa hết, từ tháng 6/2014, đơn vị giữ tài sản đòi lên giá 34 triệu đồng/tháng mới chịu tiếp tục “giữ giùm” cho quận.

Bà Trần Thị Trung - Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.12 cho biết: “Sau nhiều năm đi lại từ ủy ban đến tòa án TP.HCM, chúng tôi vừa mới được đồng ý di dời toàn bộ hàng hóa máy móc của CT này về kho tài sản công của quận”. Mới đây, được sự cho phép của UBND TP, Q.12 đã cho mở niêm phong để… tính toán chi phí việc di dời tài sản, trả lại mặt bằng cho Nhà nước. UBND quận lại phải kêu trời vì chi phí di dời cho cả ngàn chiếc máy ở đây mới tạm tính đã hơn 100 triệu đồng.

Với kho bãi là tài sản công, chính quyền còn phải đau đầu vậy, với những kho bãi sở hữu tư nhân, người chủ chỉ còn biết khóc ròng. Cụ thể, trên địa bàn Q.12, còn có cả ngàn mét vuông nhà xưởng của CT Long Đại Phát bị “giam” từ cuối năm 2012 đến giờ chưa được gỡ niêm phong, dù tài sản của DN bỏ lại không mấy giá trị. Bà Trung nói: “Với những trường hợp cụ thể thế này, mới thấy tòa án “đứng hình” thế nào! Chúng tôi kiến nghị cần có những quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ hơn để quản lý lẫn xử lý những DN có vốn đầu tư nước ngoài”.

 NGHI ANH - ĐÌNH THẮNG

BUỘC NHÀ ĐẦU TƯ KÝ QUỸ AN TOÀN, TẠI SAO KHÔNG?

Vừa qua, UBND TP.HCM gửi công văn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xác định tiêu chí của doanh nghiệp có chủ bỏ trốn để thông qua đó hỗ trợ, giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động. Ngoài ra, UBND cũng chỉ đạo các sở, ngành tích cực hỗ trợ người lao động (đủ điều kiện) tiếp cận nhanh chóng đối với bảo hiểm thất nghiệp. Liên quan đến vấn đề pháp lý về doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, cần có những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của đại diện pháp lý cũng như quy định về việc triệu tập, dẫn độ chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn, để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Luật sư Hậu cho rằng, để tránh tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, pháp luật cần ban hành quy định về việc ký quỹ an toàn, để trong trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì sẽ lấy số tiền đó giải quyết quyền lợi cho người lao động và các đối tác liên quan.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI