Chuyện của chị Đỡ

10/07/2019 - 07:48

PNO - Cầm xấp vé số trên tay, chị Phan Thị Đỡ vừa bước đi vừa cười nói với chúng tôi: “Không có mấy bác sĩ và cô Linh ở Hội Phụ nữ giúp, chắc tôi vẫn còn nằm xụi lơ”.

Đến từng nhà xoa dịu nỗi đau…

Chị Đỡ, sinh năm 1965, bán vé số hàng chục năm qua, vất vả cùng chồng nuôi hai con ăn học. Năm 2018, chị bị tai biến, nằm liệt một chỗ, toàn bộ tài sản tích cóp được lần lượt ra đi sau cơn bạo bệnh.

Dù cứu được tính mạng, nhưng gánh nặng áo cơm và tiền thuốc thang đè lên vai người chồng. Chỉ riêng tiền công và chi phí đi lại tập vật lý trị liệu mỗi ngày đã hơn 200.000 đồng, nên chị đành bỏ cuộc. 

Đến giữa tháng 5/2019, chị Tô Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.Cầu Ông Lãnh, Q.1 - bất ngờ gõ cửa nhà chị Đỡ và cho biết sẽ có bác sĩ đến tận nhà thăm khám, điều trị. Chị Đỡ ngỡ ngàng: “Tôi nghe mà không tin được luôn. Khi bác sĩ khám xong và nhân viên kỹ thuật đến nhà tập cho tôi một tuần liền mà tôi vẫn cứ như trong mơ vậy đó”.

Theo phác đồ điều trị, chị Đỡ được các bác sĩ khám và hỗ trợ vật lý trị liệu 65 ngày. Sau hơn một tuần các y bác sĩ hướng dẫn tích cực, chị Đỡ đã có thể làm theo một cách thuần thục, hằng ngày chị tự tập theo bài. Sau hơn hai tháng kiên trì, chị Đỡ đã trở lại được với nghề bán vé số. Việc được Hội Phụ nữ và các y bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp giúp chị đi đứng được trở lại cứ như cổ tích của đời chị. 

Chuyen cua chi Do
Các y bác sĩ thăm khám và giúp các bệnh nhân tại nhà

Chị Đỡ chỉ là một trong 12 bệnh nhân khuyết tật do tai biến được Hội LHPN P.Cầu Ông Lãnh hỗ trợ phục hồi theo đề án “Giúp người bị tai biến điều trị tại nhà” mà Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp đang phối hợp cùng một số địa phương thực hiện. Theo liệu trình, mỗi ca bệnh được hỗ trợ 13 tuần (65 buổi tập). Đã có 8/12 ca bệnh đang dần hồi phục tốt.

Tuy nhiên, theo các y bác sĩ, bên cạnh nỗ lực của bản nhân, trợ giúp của nhân viên y tế thì điều kỳ diệu chính là nhờ sự tận tâm của các cán bộ phụ nữ phường. Là người trực tiếp thăm khám các bệnh nhân, bác sĩ Trần Nguyễn Bính Minh Hoàng cho biết, nếu không nhờ các chị ở Hội Phụ nữ kiên trì thuyết phục, giải thích cho từng người bệnh thì chúng tôi cũng khó mà thực hiện được đề án, dù có kinh phí.

Chị Trần Thị Thu Nga, sinh năm 1963, ở hẻm 48 Cô Bắc, một bệnh nhân được hỗ trợ chữa bệnh tại nhà, nói: “Nếu không có cán bộ Hội ra mặt, tôi còn tưởng nhóm người này chắc có ý đồ gì đó. Chuyện giúp người ngày nay hiếm lắm. Tôi được giúp vầy là rất may mắn!”.

Học và làm theo Bác từ những điều giản dị

Ít ai biết, việc giúp bệnh nhân bị tai biến phục hồi sức khỏe là một nhánh của mô hình “Kết nối - Yêu thương - Nghĩa tình” mà Hội LHPN P.Cầu Ông Lãnh triển khai nhằm cụ thể việc “Làm theo Bác” - phong trào do Hội Phụ nữ Q.1 phát động. 

Theo mô hình này, các chị đã thực hiện rất nhiều hoạt động tương thân tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, quyên góp giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Để tranh thủ mọi nguồn lực, Hội đã kêu gọi các Mạnh Thường Quân trong và ngoài địa bàn phường hỗ trợ chị em với nhiều hình thức: tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn, trao tặng phương tiện làm ăn, phương tiện học nghề, học bổng, giới thiệu việc làm…

Đến nay đã có 289 hộ gia đình hội viên được vay vốn ngân hàng chính sách với tổng số tiền vay gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn lập bốn tổ vay vốn tiết kiệm do chi hội quản lý, hằng năm giúp 48 lượt hội viên vay với tổng số tiền 115 triệu đồng không lãi suất; hỗ trợ 23 phụ nữ thoát nghèo. Hàng loạt tổ gia công túi giấy, làm hoa ruy băng, lột hành, tỏi đã ra đời giúp hàng trăm người có việc làm… 

Từ sự gắn bó, sâu sát với chị em, các cán bộ Hội đã phát hiện và giúp làm giấy tờ tùy thân, khai sinh cho cả chục trẻ em con của những bà mẹ đơn thân, hoặc cha mẹ vướng vào vòng lao lý, giúp các em có quyền nhân thân cơ bản, được đến trường học chữ, học nghề.

Dù tọa lạc tại trung tâm thành phố với bề ngoài hào nhoáng và sầm uất, nhưng trong báo cáo của Hội LHPN P.Cầu Ông Lãnh vẫn thể hiện những con số về người dân nghèo, bệnh tật, thậm chí cả hình ảnh phụ nữ bị bạo lực, trẻ em bị bỏ rơi, không giấy khai sinh. Từ cách nhìn thẳng thắn đó mà hoạt động của Hội luôn tất bật. Chị Mỹ Linh nói, các chị chẳng nề hà việc khó mà còn rất vui khi giúp được nhiều chị em. 

Chị Linh chia sẻ: “Phụ nữ chiếm 2/3 trên tổng số dân của phường. Đa số các chị sống bằng nghề lao động tự do, buôn gánh bán bưng, trình độ hạn chế, thu nhập thấp và là chủ hộ trong các hộ gia đình. Trẻ em nơi đây cũng có nguy cơ bỏ học theo gia đình lao động sớm, bởi gia đình chưa quan tâm đến trẻ. Tình trạng bạo lực gia đình, trẻ em lao động sớm và an ninh trật tự trên địa bàn phường diễn biến phức tạp. Vì vậy, cả 5 chi hội phụ nữ khu phố và 50 tổ phụ nữ chúng tôi cùng một mục tiêu, tìm và hỗ trợ chị em khó khăn từ nhiều phương diện và nhiều nguồn lực”.

Nhận ra mình đang ở đâu, có vai trò gì trong cuộc mưu sinh của những chị em có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN các cấp ở P.Cầu Ông Lãnh xứng đáng là đơn vị điển hình tiêu biểu học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI