Theo đuổi đam mê hay chọn công việc 'ra tiền' cho cha mẹ vui lòng?

29/06/2017 - 09:21

PNO - Cha mẹ khuyên tôi rằng, nghề đàn hát chỉ là để cho vui. Ngày tôi đăng ký thi vào trường nghệ thuật, cha đã đánh tôi ngay tại cổng trường. Trận đòn ấy, mãi mãi tôi không bao giờ quên.

Trong những ngày hè cuối tháng sáu nắng như đổ lửa, khi các sĩ tử cuối cấp ở khắp nơi trên cả nước đang đi những bướcđầu tiên trên hành trình tìm kiếm con đường tương lai cho riêng mình, câu hỏi nhức nhối về việc theo đuổi ước mơ của riêng mình hay chọn một công việc “yên ổn” theo ý cha mẹ lại được đem ra bàn cãi.

Mới đây, tâm sự của chàng đạo diễn 9X T.L. trên diễn đàn K.S.C về chủ đề này đã thu hút hàng ngàn lượt quan tâm và bình luận trái chiều từ các bạn trẻ, cho thấy việc lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ Việt chưa bao giờ thực sự dễ dàng như họ mong muốn. 

Trận đòn đau ngay trước cổng trường

T.L chia sẻ: “Tôi học đàn từ thuở nhỏ, sau khi mẹ tặng tôi một cây đàn 142.000 đồng mua ở Lương Văn Can. Tôi nghĩ, mẹ muốn con trai học được một chút gì đó về nghệ thuật để cha mẹ vui cửa vui nhà. Tôi chăm chỉ học, cố gắng làm sao đánh được những bản nhạc hay nhất cho cha mẹ nghe. Dần dần, tôi mê âm nhạc. Tôi âm thầm học hát, rồi đến một ngày tôi có cơ hội mời cha mẹ qua trường tôi học để lần đầu chứng kiến con trai mình đứng trên sân khấu thể hiện đam mê. 

Tôi từng nghĩ cha mẹ sẽ nhìn mình bằng ánh mắt tự hào khi được chứng kiến điều bất ngờ ấy, nhưng tôi đã nhầm. Ánh mắt cha mẹ tôi buồn bã đến lạ. Sau hôm ấy, cha mẹ khuyên tôi rằng, nghề đàn hát chỉ là học cho vui chứ đừng ham mê. Ban đầu, cha mẹ chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, nhưng khi tôi phản đối, không khí trong nhà trở nên nặng nề hơn. Ngày tôi đăng ký thi vào trường nghệ thuật, cha đã đánh tôi ngay tại cổng trường. Trận đòn ấy, mãi mãi tôi không bao giờ quên được.”

Theo duoi dam me hay chon cong viec 'ra tien' cho cha me vui long?
Trận đòn ấy, mãi mãi tôi không bao giờ quên được. Ảnh minh họa

Huy chương có mài ra mà ăn được không?

Vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê nghệ thuật, T.L trốn nhà để dự thi vào ngôi trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc cách nhà hàng trăm cây số. Việc chàng trai 9X đỗ thủ khoa năm đó vẫn không làm cha mẹ anh thấy vui hơn. Âm thầm học tập được một thời gian thì một tai nạn bất ngờ xảy ra với T.L khiến đôi chân anh phải mang thương tật vĩnh viễn. Anh trở về Hà Nội, tiếp tục theo đuổi ước mơ bằng việc ghi danh theo học một lớp đạo diễn sân khấu và chọn cách vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm cho mình. 

Cứ thế, đam mê âm nhạc cháy bỏng thôi thúc từng bước chân của T.L. trên hành trình chinh phục ước mơ của mình. Từ một tay piano trong ban nhạc, anh tiến một bước thành vocal phụ (người chuyên hát bè hỗ trợ ca sĩ chính), rồi thành vocal chính – giọng ca chủ lực của ban nhạc, và cuối cùng trở thành một ca sĩ độc lập. Nỗ lực và tài năng của anh được ghi nhận lần đầu tiên bằng chiếc huy chương bạc liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2013, cho dù anh chỉ có một mình tự lo đủ các khâu, từ hóa trang, dàn dựng tiết mục đến việc ăn uống. Vậy nhưng khi mang chiếc huy chương về nhà khoe cha mẹ, anh nhận lại câu hỏi nhói lòng: "Huy chương có mài ra ăn được không? Tốt nhất đừng khoe!".

Giọt nước mắt nghẹn ngào của mẹ

Không nản lòng trước sức ép từ gia đình, T.L. vẫn bươn chải với đủ mọi show diễn, từ những chương trình nghệ thuật chỉ có vài ba diễn viên đến những vở diễn có hàng trăm người tham gia. Càng dấn thân, anh càng thấy yêu tha thiết cái nghề đạo diễn sân khấu, yêu chiếc bộ đàm, xấp kịch bản, khát khao làm nên những chương trình tuyệt vời nhất cho khán giả. 

Theo duoi dam me hay chon cong viec 'ra tien' cho cha me vui long?
T.L. đang thị phạm cho các diễn viên trong một chương trình do anh làm đạo diễn

Vừa theo đuổi đam mê của riêng mình, T.L. vừa mong mỏi một ngày cha mẹ gật đầu đồng ý với con đường mà anh chọn. Đầu năm nay, anh dàn dựng một vở nhạc kịch và mời mẹ đến xem, những mong mẹ sẽ cảm nhận được tài năng và nhiệt huyết của con mình để chấp nhận cho con sống cùng giấc mơ nghệ thuật. Nhưng sau khi chương trình kết thúc, mẹ anh đã khóc và nói: Con mới 26 tuổi, hãy từ bỏ tất cả và học lại một nghề nào đó giúp con ổn định cuộc sống. Mẹ biết con rất có khả năng với nghề này, nhưng không có tiền thì không thể sống được con ạ.

Mẹ anh khóc và khuyên con suốt hai tiếng đồng hồ, những giọt nước mắt nghẹn ngào ấy khiến trái tim T.L. trùng xuống. Lần đầu tiên anh tự hỏi, liệu mình có nên tiếp tục theo đuổi đam mê của riêng mình khi cha mẹ mỗi ngày thêm bạc tóc vì đau đáu cho tương lai của con?  

Chọn đam mê hay chọn “con đường ổn định”?

Trước chia sẻ của T.L., nick T.T.L tỏ ra thực tế: Nếu nghề này nuôi nổi mình và phụ giúp được gia đình mình thì hãy tiếp tục. Bố mẹ mình thực ra cũng chỉ muốn tốt cho mình thôi”. Cùng ý kiến, nick Đ.M.K. cho rằng: “Đam mê là phải đi sau điều kiện. Trừ khi bạn là người giỏi nhất và có mối quan hệ cực tốt. Còn đã không phải thế thì bạn phải có một công việc để có tiền nuôi bản thân thì mới nuôi đam mê được. Bạn có thể làm song song hai công việc, vừa thỏa mãn đam mê vừa lo phụ gia đình. Có đam mê, có mục tiêu là tốt nhưng phải biết mình là ai trước đã”. 

Theo duoi dam me hay chon cong viec 'ra tien' cho cha me vui long?
Theo đuổi đam mê của riêng mình hay chọn một công việc "ra tiền" theo ý bố mẹ là điều mà rất nhiều người trẻ đang trăn trở

Trái lại, cũng có không ít bạn trẻ khuyên T.L. không nên từ bỏ đam mê. Nick P.H. bình luận: “Đừng để mình chết ở tuổi 26 hay phải sống cuộc đời người khác sắp đặt”. Còn nick Đ.B.Đ. chia sẻ dẫn chứng về sự nỗ lực của thiên tài âm nhạc Beethoven và động viên chàng đạo diễn trẻ: “Ngay trước khi định từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do đã bắt đầu”.

Còn bạn, bạn chọn con đường nào cho mình: theo đuổi một đam mê dễ bị coi là “phù phiếm” hay chọn công việc “an toàn” đủ để mưu sinh? 

Thu Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI