Duyên phận đến thì tôi nhận, kể chi người đời khen chê

26/04/2017 - 16:20

PNO - Người vợ nhẫn tâm bỏ đi, hai đứa con nheo nhóc cùng người cha tàn tật trong căn nhà lụp xụp.

Sự nghèo đói, lạnh lẽo bám chặt mấy cha con cho đến khi người phụ nữ xã bên xuất hiện, đem ánh sáng hạnh phúc đến bằng lời khẳng định: “Duyên phận đến thì tôi nhận, kể chi xã hội khen chê”.

Duyen phan den thi toi nhan, ke chi nguoi doi khen che
Anh Hồng chống nạng cắt tóc cho khách

Gà trống nuôi con

Rời quân ngũ, anh Hoàng Văn Hồng (SN 1962), trú xóm 9, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) về quê lập nghiệp. Một năm sau, bất hạnh ập đến khi anh phát bệnh viêm cột sống dính khớp. Từ đó, đời anh rẽ sang một hướng khác...

Đến Cổ Đạm tìm anh Hồng rất dễ vì: “Xã này ai chẳng biết anh ấy. Chú cứ đi theo đường này, đến xóm 9 là thấy căn nhà nhỏ có người đàn ông chống nạng cắt tóc là đúng nhà anh Hồng”, một người dân nhanh nhẩu chỉ đường cho tôi.

Từ ngoài đường nhìn vào, hình ảnh người đàn ông chống nạng khập khiễng vần từng bước khó nhọc quanh chiếc ghế cắt tóc cho khách khiến lòng tôi chùng lại. Cắt xong cho khách, anh quay sang chúng tôi tâm sự: “Tôi chẳng thể làm được gì ngoài việc cầm kéo cắt tóc cho khách kiếm từng đồng trang trải cuộc sống”.

Mặt hốc hác, da nhăn nheo, chiếc nạng kẹp chặt bên nách, anh khó nhọc ngồi xuống nền nhà. Hớp ngụm nước chè, anh bảo, anh rất thích uống loại nước này vì nó có vị đắng chát “như chính cuộc đời tôi”.

Anh kể chậm rãi, năm 1984 anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự về quê lập nghiệp. Định hướng, kế hoạch đều đã chuẩn bị đâu ra đấy nhưng trớ trêu, mọi thứ đang dang dở thì anh phát bệnh ngặt.

Chứng viêm cột sống dính khớp buộc anh phải nằm bẹp. Gia đình chạy chữa khắp nơi, nợ nần chồng chất mà bệnh ngày càng có chiều hướng nặng thêm nên gia đình quyết định chuyển anh ra BV Hữu nghị Ba Lan (nay là BV ĐK tỉnh Nghệ An) chữa trị. Tuy nhiên, bệnh không giảm mà đã không còn đường vay mượn, bố mẹ đành đưa anh về trong tuyệt vọng.

Chính trong lúc suy sụp nhất này, bản lĩnh người lính lại bùng lên trong anh. Hồng quyết tâm tập đi nạng, lê từng bước trong nhà, té ngã đau đớn không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn gượng dậy đi tiếp. “Đó là thời gian tồi tệ nhất của đời tôi. Dần dà, một số người biết tôi cắt tóc được nên đến đề nghị tôi cắt tóc cho họ. Mua cái kéo về, dùng cái lược của mẹ, tôi bắt đầu nghề cắt tóc.

Người ái ngại khi thấy tôi chống nạng cầm kéo nhưng rồi cũng quen. Mỗi lần cắt tóc tôi được 500 đồng. Cầm đồng tiền đầu tiên, tôi đã bật khóc, tự nghĩ mình phải phấn đấu nhiều hơn”, anh ngậm ngùi nhớ lại.

Thương Hồng cô đơn, bạn bè trong xóm kéo anh đi chơi đó đây và anh gặp được chị Trần Thị Hiền (xã Xuân Liên). Nhiều lần tới lui mai mối, năm 1996, chị đồng ý về làm vợ anh. Hằng ngày anh vẫn cắt tóc cho khách, chị Hiền gỡ cá thuê cho ngư dân. Hạnh phúc vỡ òa năm 1997, khi con trai Hoàng Trung Thông chào đời.

Hai năm sau, lại thêm cô con gái Hoàng Thị Trang. Niềm vui ấy cũng kéo theo áp lực nặng nề về kinh tế. Thu nhập bấp bênh, gia đình anh như đi vào ngõ cụt. Năm 2004, chị Hiền quyết định vào Đăk Lăk làm thuê.

Mới đi hơn tháng chị đã gọi điện về: “Cha con ở nhà nuôi nhau chứ Hiền không về nữa mô. Anh không nuôi được em thì em phải đi thôi”. Giọng nói chị vang trong đầu anh như tiếng sét. Buông cái điện thoại, Hồng nhìn hai con nheo nhóc mà trào nước mắt. Anh lại một lần nữa suy sụp.

Nhưng, đêm đêm nhìn con ngủ say, thỉnh thoảng ú ớ nói mê, anh lại tự động viên mình “vì con, không được bỏ cuộc”. 

Ánh sáng 

Bà Nguyễn Thị Phượng (SN 1963, hàng xóm của anh Hồng) cho biết thêm: “Chúng tôi rất thương hoàn cảnh của anh Hồng, nên thường qua lại giúp đỡ, ai cũng hết lòng”. Từ sau khi vợ bỏ đi, Hồng không còn dám nghĩ đến chuyện kết duyên cùng ai nữa. Anh tự ti mình là kẻ tật nguyền, sẽ chẳng ai đồng ý làm vợ.

Duyen phan den thi toi nhan, ke chi nguoi doi khen che
Nhà nghèo mà giàu tình

Thế nhưng, nhờ những cố gắng mai mối của bạn bè, anh lại quen chị Võ Thị Nghĩa (SN 1976, xã Phúc Lộc, huyện Can Lộc). Tình cảm dần phát sinh, anh chị quyết định về sống chung một mái nhà, bất chấp sự phản đối từ gia đình chị: “Thằng lành không lấy, lại đi lấy thằng què”. Trước những lời ra tiếng vào, chị chỉ khẳng định: “Duyên phận đến thì lấy, kể chi xã hội khen chê. Chồng tôi, tôi thương”.

Ngày 22/1/2008, anh chị chính thức đến với nhau, không tiệc tùng cũng chẳng xe hoa. “Cảnh tôi chứng kiến đầu tiên khi đến nhà chồng là căn nhà lụp xụp, dột nát; hai đứa trẻ gầy gò, nhếch nhác chơi ở sân. Tôi thấy thương quá, lại gần ôm lấy chúng. Nghe nói tôi là mẹ kế nhưng hai đứa vẫn ngoan ngoãn. Tôi yêu chúng như con ruột mình”, chị Nghĩa kể.

Hạnh phúc lại quay về với người đàn ông tật nguyền. Sự chăm sóc của chị Nghĩa đã giúp anh Hồng trở lại với nhịp sống bình thường. Cuối năm 2008, anh chị có thêm con trai Hoàng Trung Trọng, giờ đã là học sinh lớp 3. Năm 2011 lại đón thêm con gái Hoàng Thị Thúy.

Hai sào ruộng chẳng thể nào nuôi đủ chừng ấy miệng ăn, nên chị Nghĩa hết cấy thuê, lại đi mò cua ngoài đồng, quần quật suốt ngày không một lời than vãn. Những hôm đi làm thuê cả ngày không về, chị nấu cơm sẵn cho mấy bố con.

Nay, hai con lớn của anh đã trưởng thành, đi làm xa, tết mới về thăm bố. Đó cũng là những ngày hạnh phúc của anh. “Thỉnh thoảng vợ chồng cũng có bất đồng, nhưng chồng nóng vợ nhịn, vợ nóng chồng nhịn. Bốn đứa con yêu thương nhau như anh em ruột, không có chuyện con người này người kia. Với tôi, như vậy đã là hạnh phúc, mãn nguyện lắm rồi. Bao năm tôi chỉ mong có bộ đồ nghề tươm tất nhưng mãi không mua được vì phải dành tiền nuôi con ăn học. Thiếu thốn, khó khăn vậy nhưng vẫn vui”, anh Hồng nói. 

Cuộc đời tưởng đã chìm đến tận đáy của khó nghèo, bệnh tật, bất hạnh nhưng đoạn đời trầm luân của anh Hồng rồi cũng qua đi, nhường chỗ cho hạnh phúc gia đình viên mãn… 

Phan Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI