Nông sản Việt thua trên sân nhà, thua ra quốc tế

27/09/2018 - 06:00

PNO - Nông sản Việt được nhận định không thua kém các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng bộ từ khâu quản lý, đầu tư… nên chuỗi giá trị còn nhiều lỗ hổng.

Loay hoay tìm ưu thế trên trường quốc tế

Đặt vấn đề về việc cạnh tranh của nông sản Việt so với khu vực và thế giới, ông Huỳnh Kim Tước - CEO SIHUB cho biết, một thực trạng đau lòng chính là việc gạo Việt bị định vị kém so với các nước trong khu vực, thua cả Campuchia và Thái Lan.

Ông Tước đưa ví dụ về ST24, một loại gạo thơm của tỉnh Sóc Trăng được bầu chọn là gạo ngon nhất thế giới vào năm 2017. Tuy nhiên, câu hỏi ông nêu ra lại khá nhức nhối, đó là: “Tại sao gạo Campuchia lại được bán vào Việt Nam và được đón nhận. Trong khi đó, tất cả đều biết về gạo Campuchia mà không biết về gạo của Sóc Trăng?”.

Nong san Viet thua tren san nha, thua ra quoc te
Nhiều chuyên gia cho rằng, gạo Việt được định vị kém hơn các quốc gia trên khu vực và thế giới. Ảnh minh họa

Nói thêm về loại gạo trên, bà Vũ Thị Hiếu Đông, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Sóc Trăng cho biết, ngoài rất nhiều những nông sản, thực phẩm chất lượng tốt thì giống gạo thơm Sóc Trăng ST24 do kỹ sư Huỳnh Quang Cua (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) lai tạo được xem như loại gạo ưu việt. Hiện tại, giống gạo này được trồng khoảng 100 ha lúa giống. Tuy nhiên, năng suất của lúa giống sẽ không cao nên việc mở rộng sản phẩm, giới thiệu cho khách hàng còn hạn chế.

Theo nhận định của một số chuyên gia, nguyên nhân chính gạo Việt thua thiệt trên đường đua quốc tế có lẽ do mô hình nông nghiệp Việt Nam vẫn đang chạy theo số lượng mà bỏ quên chất lượng.

Điển hình là mô hình sản xuất lúa gạo Campuchia và gạo Việt Nam. Trong khi tại Việt Nam, gạo được sản xuất đến 3 mùa lúa thì tại Campuchia, loại gạo xuất khẩu chủ lực chỉ được trồng trong 1 mùa lúa. Từ sự khác biệt này, gạo Việt Nam chỉ xuất khẩu chính đến Philippines, trong khi gạo của Campuchia lại được xuất sang Mỹ và các nước châu Âu.

Điều này cho thấy, nếu sản xuất gạo tại Việt Nam chạy theo số lượng, đem giống ưu việt trồng thêm ở các vùng lân cận thì dù có vào thị trường quốc tế cũng khó giữ vì các sản phẩm lúc này chất lượng đã kém hơn. Không thể đòi hỏi sản lượng phải cao ở sản phẩm mang đặc trưng vị thế địa lý, tính quý hiếm… Vì đó cũng chính là giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ngoài ra, theo ông Phạm Minh Quang - Phó Giám đốc dự án Mekong Business Initiative (MBI), nông nghiệp Việt Nam hiện tại vẫn tồn tại 2 nền nông nghiệp. Một nền nông nghiệp truyền thống với các sản phẩm cung ứng cho người Việt, trồng trọt theo hướng cũ, nghĩa là theo mùa vụ và mang tính đơn lẻ, tự phát. Và một nền nông nghiệp mới, với các ứng dụng công nghệ như canh tác theo hướng hữu cơ (organic), trồng trọt theo chuẩn để xuất khẩu theo đơn đặt hàng.

“Việt Nam sẽ phải chuyển từ sản xuất tự phát, tràn lan sang sản xuất có quy trình, có thị trường cụ thể thì đầu ra sẽ rộng lớn hơn, giá trị nông sản làm ra sẽ cao hơn. Ví dụ như sản xuất theo organic xuất khẩu thì sản xuất, đơn hàng, giá cả bao nhiêu, bán như thế nào... đều có tính toán cả”, ông Quang phân tích.

Một lý do khác cũng khiến nông sản Việt thua thiệt trên thị trường quốc tế đó là người Việt giỏi sản xuất nhưng lại kém buôn bán. Chưa kể, các nhà đầu tư tại Việt Nam cũng không thấy được nhiều dự án nông nghiệp để đầu tư.

Gạo Việt còn thua ngay trên sân nhà

Các chuyên gia cho biết, mặc dù gạo Việt là một trong những mặt hàng xuất khẩu top đầu và được đánh giá cao so với các nước láng giềng nhưng người Việt lại chỉ tìm đến các loại gạo nhập từ Thái Lan, Campuchia... Dễ thấy, chúng ta đã bỏ quên chỗ đứng cho hàng Việt nay trên đất Việt.

Theo ông Phạm Minh Quang, bất công lớn nhất là hiện nay người lao động chịu 100% rủi ro trong khi người bán hàng hưởng lợi giá trị gia tăng hoàn toàn. Lợi ích người sản xuất và người bán hàng không bình đẳng, minh bạch thì người sản xuất sẽ tự động tối ưu hóa lợi nhuận của họ bằng mọi cách. Đây là lý do mở đầu cho sự ra đời của những sản phẩm kém chất lượng.

Bên cạnh đó, nếu không có những ứng dụng truy xuất nguồn gốc thì sản phẩm Việt rất khó được đón nhận. Hiện tại, Việt Nam đã có những cấu phần của mô hình nông nghiệp mới, nhưng vẫn chưa “cất cánh”, chưa phát triển và đi vào ứng dụng sâu.

Nong san Viet thua tren san nha, thua ra quoc te
Minh bạch trong sản xuất và khâu phân phối để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng là bài toán đầu tiên trước khi mang "chuông" đi đánh xứ người

“Thực sự rất khó để đảm bảo ở một đất nước mà người dân quá thiếu niềm tin và thừa sự nghi ngờ. Tiêu chuẩn như VietGAP mà người dùng còn không tin nữa… Đó chính là nỗi lo chung của những người làm nông nghiệp hữu cơ”, bà Phạm Phương Thảo, giám đốc hệ thống thực phẩm hữu cơ Organica nói.

Theo bà Thảo, Việt Nam hiện tại vẫn chưa có những chứng nhận về sản phẩm hữu cơ và trong tương lai chắc chắn sẽ có. Nhưng sau đó, phải làm như thế nào để mọi khâu đều được minh bạch theo chuẩn hữu cơ. Điều này phụ thuộc vào vai trò của nhà nước và tư nhân. Ví dụ trường hợp nhái thương hiệu thì nhà nước phải can thiệp. Phía doanh nghiệp phải tự khẳng định mình bằng những sản phẩm có phẩm chất tốt. Phải cổ vũ cho những sản phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn, được bồi dưỡng bằng chuỗi cung ứng giá trị hiệu quả.

“Mục tiêu đặt ra vẫn chỉ nên trụ hạng với mặt hàng nông sản nhập khẩu như Trung Quốc, Thái Lan… thay vì đưa ra các ưu thế cao siêu để hàng Việt hội nhập quốc tế. Vì khi giải quyết được câu chuyện trên bàn ăn người Việt thì nông sản Việt Nam sẽ tự động có vị thế khi bước ra thế giới”, đại diện một dự án khởi nghiêp nhận định.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI