'Cám dỗ Việt Nam' và những vỡ mộng hiện sinh

22/07/2019 - 19:50

PNO - 'Cám dỗ Việt Nam' như một chén thuốc đắng nhưng ngọt hậu. Cách nói thẳng nói thật có thể khiến người ta đau lòng vì những vỡ mộng hiện sinh nhưng trong đó có sự giải thoát.

Một tập bút ký đặc biệt, một cuộc trở về quê hương và tha thiết với những giá trị nguồn cội nhưng đau đáu về một tương lai của những giá trị có thể đang bị hủy hoại. Cám dỗ Việt Nam của tác giả - tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm (Domino Books và nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) là cuốn sách như thế. 

“Những bài viết trong tuyển tập này là một thứ ngôn ngữ đặc thù phát đi từ sinh nghiệm đớn đau cho vết thương Sử tính Việt” - tác giả chia sẻ. Không dễ hiểu với những khái niệm, phạm trù thuộc về triết học, trường tư tưởng trong tác phẩm. Nhưng căn nguyên, các bài viết trong cuốn sách dày hơn 200 trang in này có thể là một “hành trình phản tỉnh về định mệnh Việt”, qua góc nhìn cấp tiến và cũng đầy yêu thương của người viết.

Nhiều bút ký tựu trung vẫn là ghi chép về vùng đất, con người, nơi chốn đi qua với ít nhiều cảm nhận. Nhưng Cám dỗ Việt Nam đi sâu vào “vùng đất tinh thần”, tâm hồn của người Việt. Tập bút ký soi chiếu, bóc tách, nhìn thẳng vào những thực tế, những “căn tính” không lóng lánh của con người, của vùng đất.

'Cam do Viet Nam' va nhung vo mong hien sinh

Thậm chí, như cách tác giả nói, là “nhìn thẳng vào vết thương của lịch sử và văn hóa, con người Việt Nam, muốn mở rộng và nặn mạnh vào vết thương để cho mủ máu nhiễm trùng được tuôn ra ngoài”. Để “khi thương tích được ánh sáng của lý tính soi vào, không phải để phủ định tiêu cực hay lên án phũ phàng, mà là của một ý chí tự do, chấp nhận nỗi đau từ khả năng nhìn lại, phản tưởng, suy niệm thì hy vọng hóa giải và thương tổn mới có thể chữa lành”. 

Tác giả cũng từng có khoảng thời gian đảm nhận vai trò của một người viết báo, với những chuyến thực tế về vùng heo hút của tỉnh Quảng Trị, đến với những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam. Từng số phận hiện ra, mỗi câu chuyện là một cuộc cất tiếng của những sinh mệnh.

Chiếm phần không nhỏ trong sách là mảng ký ức rõ nét về quê hương Quảng Trị của tác giả. Một góc miền Trung thập niên 90 được kể đầy dư vị bằng chuyến xe đò từ Huế về Quảng Trị. “Xe đò chạy bằng than cục, cháy đỏ hồng, khói đen nghi ngút”. Quãng đường chỉ 60 cây số nhưng xe chạy từ sáng đến tối mới tới nơi. Vậy mà vui, khách đi xe không ai than vãn cả. Có người còn bảo “dân miềng chịu đựng quen rồi”. Nhìn ngang sông Nhật Lệ, Nơi bến đò Nguyễn Văn Trỗi, Sóng biển Lăng Cô, Dạy học ở Đà Nẵng… là những bài viết đậm dấu hồi ức, nhớ thương và cũng lồng vào đó những suy niệm cho tương lai một vùng đất. 

Cám dỗ Việt Nam như một chén thuốc đắng nhưng ngọt hậu. Cách nói thẳng nói thật có thể khiến người ta đau lòng vì những vỡ mộng hiện sinh nhưng trong đó có sự giải thoát. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI