Phát hoảng với báo dành cho học trò

06/09/2014 - 07:19

PNO - PN - Vô tình lật vài trang báo dành cho lứa tuổi học trò ngày nay xem có khác gì với những cuốn báo của thế hệ trước kia, tôi không khỏi “choáng” vì sự khác biệt quá lớn, vì có nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Phat hoang voi bao danh cho hoc tro

Những hình ảnh và nội dung trên báo dành cho học trò không phù hợp với lứa tuổi này

Những hình ảnh học trò nghèo vùng nông thôn vượt khó đến trường; những bài học trong sáng về tình bạn, tình thầy trò; những mẩu chuyện về cách làm người… quá hiếm hoi. Thay vào đó là ngập tràn các chuyên mục dạy học trò cách xử lý “tình huống” rất phản giáo dục. Cụ thể, trong tờ báo Mực Tím (MT, số 1162) có mục Cẩm nang thoát nạn trong năm phút “thần thánh” bày cho học sinh cách “thoát” giờ khảo bài miệng như “mua chuộc” giáo viên bằng quà bánh, kiếm cớ hỏi bài giáo viên để "câu giờ"…

Còn tờ Hoa học trò (HHT, số 1074) có mục Cao thủ học đường với những ghi chú khá “sốc” như sau: “Dành cho học sinh lười nhưng muốn có điểm đẹp; muốn ăn vụng mà không bị bắt quả tang; muốn được lòng thầy cô mà sức học tàng tàng; chống chỉ định với thanh niên nghiêm túc, học sinh gương mẫu”.

Hiếu kỳ, tôi đọc kỹ hơn các nội dung và “phát hoảng” với hàng loạt chiêu trò mà báo hướng dẫn như: “Chuẩn bị cuốn tập trắng nếu hôm nào không làm bài tập thì có cớ nói với thầy cô em vừa thay tập, sẽ bổ sung sau”; “Nhắn tin cho lớp trưởng điểm danh tao đủ nha” rồi ung dung đi chơi với Gấu (tức bạn gái); hay “trộn bánh tráng trong hộp bút để không ai biết mình đang ăn vụng”…

Cũng trong số báo này, học sinh còn được các game thủ “nhắc nhở” cách xử lý tình huống trong giờ kiểm tra như: nhắm (phao) trúng mục tiêu; phản xạ nhanh gọn lẹ (khi thầy cô xuất hiện); làm sao để không đầu hàng (nhận tội) khi bị bắt; phân biệt bạn xấu, bạn tốt (trong giờ kiểm tra)… Sau cùng, với phương pháp “làm 10 cái sơ đồ lớp để dễ dàng nhảy chỗ trong mọi tiết học”…

Điểm chung của các tờ báo hiện nay là luôn dành “đất” khá lớn cho phần cập nhật thông tin về xu hướng thời trang, chuyện đời tư của ca sĩ, diễn viên.

Với các nội dung như “dạy” cho học trò cách ăn mặc, trang điểm để trở thành “sao”; bí quyết ăn mặc quyến rũ thu hút “đối phương”; giới thiệu địa chỉ mua sắm hàng hiệu, vui chơi, ăn uống… dường như là “tiêu chí” mà nhiều tờ báo hướng đến. Như trong chuyên mục thời trang trên báo 2! (số chuyên đề của báo Sinh viên Việt Nam) có hướng dẫn cách tận dụng bikini sau mùa hè, ở chuyên mục này, phụ huynh sẽ không khỏi “mắt tròn, mắt dẹt” với những bộ trang phục “mát mẻ” có phần phản cảm của các người mẫu.

Họa hoằn lắm, tôi mới kiếm được vài bài viết xoay quanh vấn đề của tuổi mới lớn nhưng lại ít đề cập đến kiến thức giới tính mà chủ yếu là những câu chuyện “say nắng”, đi tìm nguyên nhân vì sao không “thoát ế” (báo HHT); hay mục Vườn hoang cỏ cú trên báo MT thường giải đáp thắc mắc về chuyện yêu đương của học trò…

Tôi nghĩ, với lứa tuổi học trò chẳng phải vấn đề chính vẫn là chuyện học tập hay sao? Những "chiêu trò", "mưu mẹo" trên báo tưởng chừng chỉ để bông đùa, vô hại nhưng biết đâu sẽ là “đòn bẩy” khiến các em, các cháu phát huy tính thiếu trung thực, “thủ đoạn” trong suy nghĩ và hành động…

Dường như, trách nhiệm uốn nắn, giáo dục và định hướng cho học sinh về lối sống, cung cấp kiến thức phục vụ nhu cầu học tập, rèn luyện nhân cách trong các tờ báo đã bị “lãng quên”. Có lẽ, lối sống buông thả cùng với việc “hụt hơi” khi chạy theo các giá trị ảo của một bộ phận giới trẻ không nằm ngoài ảnh hưởng từ những tờ báo hiện nay.

 Phương Việt (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Đường dây khẩn:
0966.18 27 27 - 0913.15 93 15
Email: duongdaykhan@baophunu.org.vn


 

news_is_not_ads=
TIN MỚI