Cuộc sống sang trang sau các khóa dạy nghề của Hội

11/04/2018 - 10:03

PNO - Một điểm chung của các phụ nữ có việc làm ổn định, khởi nghiệp thành công sau các khóa đào tạo nghề do Hội tổ chức là, khi cuộc sống bắt đầu tạm ổn, họ luôn có ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Từ ngày 12-18/4, Hội LHPN TP.HCM sẽ tổ chức chương trình “10 năm Ngày hội việc làm phụ nữ - Tự hào thương hiệu Việt” tại công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM. Trong chương trình này, ban tổ chức sẽ biểu dương 42 gương phụ nữ có việc làm ổn định hoặc khởi nghiệp thành công sau khi tham gia các khóa đào tạo nghề do hệ thống Hội tổ chức.

Duyên may với nghề

Năm 2010, từ Cà Mau, cô gái 17 tuổi Huỳnh Thị Hạnh khăn gói lên Sài Gòn. Lạ lẫm nơi đất khách, nhiều đêm Hạnh mất ngủ, suy nghĩ về tương lai, nghề nghiệp. Được sự giới thiệu của Hội LHPN Q.Thủ Đức, tại Ngày hội việc làm phụ nữ năm 2013, Hạnh đăng ký theo học lớp trang điểm.

Đạt tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Hạnh đăng ký học thêm và nâng cao tay nghề tại tiệm cắt tóc rồi ba tháng sau, cô mở tiệm riêng. Hiện mỗi tháng, Hạnh có thu nhập trên 10 triệu đồng. Bốn nhân viên của cô hưởng lương từ 2-4 triệu đồng/tháng.

Cuoc song sang trang sau cac khoa day nghe cua Hoi
Chị Nguyệt Cầu bên tác phẩm nghệ thuật tạo hình tỉa rau củ

Cũng từ Ngày hội việc làm phụ nữ năm 2013, chị Đỗ Thị Nguyệt Cầu (42 tuổi, thuộc diện hộ nghèo của P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) ghi danh học lớp trung cấp kế toán và lớp tỉa rau củ quả. Đứng đầu trong lớp trung cấp kế toán ba năm liền và tốt nghiệp loại xuất sắc, chị Cầu được nhận làm kế toán của Công ty viễn thông Á Châu, thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng.

“Mừng nhất là gia đình đã chính thức thoát nghèo, cuộc sống dần dễ thở hơn” - chị Cầu tâm sự. Trước đó, cuộc sống của chị rất bấp bênh, ai kêu gì làm nấy, thu nhập đã ít, lại phải nuôi ba đứa con nhỏ.

Khi chúng tôi tìm đến ấp 5, xã Hưng Long, H.Bình Chánh, TP.HCM hỏi thăm Nhóm nấu ăn Hai Xinh, người dân ở đây hầu như ai cũng biết. Đam mê nấu nướng, ở xóm có bao nhiêu đám tiệc, người ta đều mượn chị Lưu Thị Hai đến nấu giùm, tiền công một bàn 50.000 đồng. Có nhiều thời gian, cơ hội trải nghiệm trong việc nấu nướng, nhưng chị Hai vẫn đau đáu mong có điều kiện theo học lớp nấu ăn chính quy, bài bản.

Năm 2011, chị đã đến với lớp dạy nấu ăn do Hội LHPN TP.HCM phối hợp với Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng tổ chức. Học xong, chị mạnh dạn thành lập nhóm nấu ăn với 10 thành viên, trong đó có bốn chị cũng từng theo học lớp nấu ăn như chị. Năm nay, bước sang năm thứ bảy, nhóm Hai Xinh hiện có 20 thành viên, trung bình mỗi tháng nấu từ 10-20 đám tiệc. Thu nhập mỗi tháng của chị Hai là 10-15 triệu đồng, nhân viên của chị có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. 

Cuoc song sang trang sau cac khoa day nghe cua Hoi
Huỳnh Thị Hạnh đang cắt tóc từ thiện tại một viện dưỡng lão

Cùng ngụ tại xã Hưng Long, H.Bình Chánh, sau khi học nghề may do Hội LHPN TP.HCM phối hợp với Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng tổ chức, chị Trần Ngọc Nga đã mạnh dạn xây dựng tổ hợp tác, được Hội hỗ trợ 20 máy may, đã giúp 25 chị có việc làm, thu nhập từ 50.000-300.000 đồng/ngày.

Không chỉ nghĩ cho mình 

Một điểm chung của các phụ nữ có việc làm ổn định, khởi nghiệp thành công sau các khóa đào tạo nghề do Hội tổ chức là, khi cuộc sống bắt đầu tạm ổn, họ luôn có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Chẳng hạn như thành lập các tổ hợp tác để tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em tại địa phương, nhiệt tình trong công tác từ thiện. 

Hằng tháng, Huỳnh Thị Hạnh đều dành ra một ngày, cùng các cộng sự trong tiệm tóc của mình đến các viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi để cắt tóc miễn phí cho người già, em nhỏ. Còn chị Nguyệt Cầu thì mỗi cuối tuần thường tranh thủ đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, về làng khiếm thị ở Sóc Trăng, đi các mái ấm ở tỉnh Đồng Nai, Cà Mau… tặng quà cho các đối tượng. 

Bên cạnh làm chủ nhóm nấu ăn, tạo được việc làm và thu nhập cho nhiều chị em ở ấp, với cương vị Chủ nhiệm câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc ấp 5, chị Lưu Thị Hai còn lập nhóm tương trợ, thành viên của nhóm đóng 500.000 đồng/người/tháng để giúp vốn cho chính các thành viên, ai gặp khó khăn, có nhu cầu sẽ được nhận tiền trước.

“Cuộc sống mà, mình vui thì cũng mong người khác được vui. Nên tôi ráng giúp được ai thì giúp, sức mình không đủ thì cậy nhờ cộng đồng hỗ trợ. Đông tay vỗ nên kêu…” - chị Hai xởi lởi. 

Trong 10 năm qua (2008-2018), trung bình mỗi năm, các cấp Hội của TP.HCM đã tổ chức đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho hơn 3.000 phụ nữ, với các nghề may gia công, làm móng, làm tóc, tỉa rau củ quả, nấu ăn, giúp việc nhà…

Tâm Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI