Sao ba không giết con từ trong bụng mẹ để giờ con phải khổ?

10/04/2017 - 13:42

PNO - Theo bà Dung, ông Hân và một số người ở nhà nội Dương thường la mắng, dùng bạo lực khi dạy dỗ con cháu khiến Dương khó gần gũi và cảm thấy bức bối.

Ly hôn năm 2009, ông Hoàng Văn Hân được TAND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh giao quyền trực tiếp nuôi con - cháu Hoàng Thị Thùy Dương (SN 2004). Bất ngờ, tháng 6/2016, nhân sinh nhật của Dương, mẹ ruột của cháu là bà Nguyễn Thị Dung (tạm trú Q.Tân Phú, TP.HCM) về thăm và dắt luôn cháu vào Nam.

Được người nhà báo tin, ông Hân đang đi làm ở Bà Rịa - Vũng Tàu phải gõ cửa cầu cứu nhiều nơi để mong đưa con về kịp ngày tựu trường (nhập học lớp 7), nhưng đến nay đã sắp đến kỳ thi học kỳ II, việc học của cháu Dương phải bỏ dở. 

Sao ba khong giet con tu trong bung me de gio con phai kho?
Ông Hân với xấp hồ sơ gửi đến các cơ quan nhờ can thiệp đưa con về

Mẹ “bắt cóc” con?

Ông Hân cho biết: “Cháu Dương đang sinh sống, học hành ổn định ở nhà nội, gia đình còn cho cháu đi học giáo lý nhà thờ và vào ca đoàn, cháu rất thích. Tôi còn đang định sẽ thu xếp công việc ở Bà Rịa - Vũng Tàu, về quê ở hẳn để thuận tiện chăm sóc con. Vậy mà mẹ cháu lại bắt cháu đi. Nếu bỏ mặc con thì tôi khỏe thân, nhưng với trách nhiệm của một người cha, tôi không thể để con bị tổn thương và thiệt thòi như thế. Cháu còn bé mà mẹ cháu lại bắt phụ giúp việc buôn bán vải, là bóc lột sức lao động của cháu.

Mẹ cháu có lối giáo dục không tốt, nuông chiều, cho con thoải mái xài điện thoại thông minh, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của cháu. Đáng lo nhất là mẹ cháu lại có bạn trai - đe dọa đến sự an toàn của con gái. Có lần cháu gọi cho tôi, nói nghe đứt ruột: “Sao ba không giết con từ trong bụng mẹ để giờ con phải khổ như vậy?”. Tôi chắc chắn con gái tôi sống với mẹ và nhà ngoại rất khổ sở”. 

Từ tháng 6/2016 đến nay, không thể kể hết những lá đơn ông Hân và mẹ ông đã gửi đến Công an (CA) xã Cương Gián, CA huyện Nghi Xuân, CA tỉnh Hà Tĩnh, Viện Kiểm sát - Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nghi Xuân (nơi ông Hân và cháu Dương đăng ký hộ khẩu), CA xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, Đồng Nai (nơi nhà ngoại của cháu Dương cư trú)…

Các cơ quan trên tuy có lên tiếng nhưng không làm tới nơi tới chốn để đưa được cháu Dương về, cũng như xử lý hành vi “bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em” của mẹ cháu như ông Hân yêu cầu. Bức xúc, tháng 8/2016, ông Hân đã “tự giải quyết” bằng cách thuê xe và nhờ thêm vài người đi cùng để đón bắt lại cháu Dương.

Do nhiều người hàng xóm can thiệp, sau một lúc giằng co, ông ngoại đã giật lại được cháu. Sau cuộc “giải cứu” bất thành, ông Hân lại cầm bản án ly hôn với nội dung “ông được trực tiếp nuôi dưỡng con đến tuổi trưởng thành 18 tuổi”, tiếp tục kêu cứu...

Khi chúng tôi gọi điện thoại cho bà Dung để tìm hiểu vấn đề, bà đã cho biết ngay là đang định đến báo Phụ Nữ nhờ giúp đỡ cho con bà được đi học. Theo bà, cha và bà nội Dung đã bịa đặt việc bà trộm giấy khai sinh của cháu Dương để đặt vé máy bay vào Nam, thừa lúc người lớn vắng nhà tự ý đưa cháu đi. Bà khẳng định, chính bà nội đồng ý cho cháu theo mẹ vào Nam chơi vài ngày và bà cũng đã đặt vé khứ hồi để cháu về cho kịp năm học mới.

Tuy nhiên, cháu Dương nhất quyết không chịu trở về, khóc nói: “Nếu mẹ bắt con về ngoài kia, con sẽ bỏ đi, mẹ không bao giờ gặp được con nữa”. Bà Dung nghẹn ngào: “Nghe con nói vậy, người mẹ nào không lo? Con muốn gần mẹ chẳng lẽ mình lại xua đuổi? Thật tình là tôi chỉ định đưa con vào Nam chơi vài ngày thôi. Mấy chú CA vào xác minh, hiểu nguyện vọng của cháu nên thôi, không đưa về”.

Sao ba khong giet con tu trong bung me de gio con phai kho?
Thùy Dương vui vẻ bên mẹ ở nơi mẹ bán vải

Bản án nào tối thượng?

Mới tuổi 13 nhưng Thùy Dương đã cao lớn phổng phao như một thiếu nữ. Tiếp xúc riêng với chúng tôi, cháu nói chậm rãi, dè dặt như thể sợ lỡ lời sẽ làm người thân nào đó bị tổn thương hay ảnh hưởng đến tương lai của mình: “Xa mẹ nhiều năm rồi nên cháu muốn ở gần mẹ. Cháu lớn rồi, ở với mẹ được dạy dỗ những chuyện... “con gái”.

Cháu có gọi điện thoại cho bà nội, nói cháu ở TP.HCM đi học có nhiều điều kiện tốt hơn. Trường cũ ở quê có nhiều bạn xấu, bịa chuyện đăng lên mạng là cháu yêu và có bầu với bạn trai, cháu không chịu nổi. Cháu đã nói mình không như vậy, nhưng ba nghe chuyện chỉ biết gọi điện mắng cháu, không thèm nghe giải thích”.

Theo bà Dung, ông Hân và một số người ở nhà nội Dương thường la mắng, dùng bạo lực khi dạy dỗ con cháu khiến Dương khó gần gũi và cảm thấy bức bối. Trước đây, bà đơn phương ly hôn cũng vì bị chồng đánh nhiều lần, cuộc sống chung khốn khổ đến mức bà đã uống vốc thuốc tự tử nhưng may mắn được cứu kịp. Hiện nay, dù đã ly hôn nhưng do gút mắc chuyện cháu Dương, ông Hân vẫn nhiều lần gọi điện, nhắn tin “khủng bố” bà và người thân.

Về sự gián đoạn việc học của cháu Dương, bà Dung nói, ông Hân đã về trường cũ rút học bạ của cháu nhưng không đưa cho bà để đăng ký trường mới ở TP.HCM theo mong muốn của con. Đầu năm học, dù không có học bạ, bà cũng gửi tạm con vào học tại một trường gần nhà ông bà ngoại ở Đồng Nai. Rồi ông Hân dẫn người đến bắt cháu, gây khủng hoảng, bất ổn nên bà phải dẫn Dương theo mình lên TP.HCM.

Thùy Dương đã nhiều lần yêu cầu ba đưa học bạ cho mình, nhưng lúc thì ông Hân bảo “con đọc địa chỉ để ba gửi”, lúc lại “ba đốt rồi”, lúc “kêu mẹ về quê mà rút”, còn đổ thừa “tại mẹ con, con mới phải nghỉ học chứ không phải tại ba”... Cháu Dương đã nói mãi với ba: “Nếu ba thương con, ba gửi giấy cho con đăng ký học”, nhưng đáp lại chỉ là câu: “Ừ, ba thương con nên ba đi kiện đây”.

Cứ thế, Dương bị tước mất quyền được đến trường - một trong những quyền thiết thân nhất của trẻ em. Trao đổi lại với ông Hân về việc “cháu Dương không muốn về quê mà muốn theo mẹ, học ở TP.HCM, mong ba giao học bạ để mẹ đăng ký học”, ông khẳng định: “Nguyện vọng của cháu là được về quê tiếp tục học, chỉ vì bị mẹ thúc ép mới nói như thế.

Không cần kể đến nguyện vọng của cháu, bản án đã rành rành là giao con cho tôi nuôi, thì cứ theo pháp luật mà làm...”. Trong câu nói của ông Hân, rõ ràng ẩn chứa cảnh “yếu thế” về tình, phải vịn vào lý lẽ.

Bản án thật sự của vấn đề là ở đâu: quyết định của tòa hay ở trái tim người làm cha mẹ, muốn con được bình an, hạnh phúc? Không sống được với nhau, tất nhiên giữa hai người có những mâu thuẫn khó giải tỏa, nhưng ông bà cần thiết hợp tác bằng thiện chí để tìm một tiếng nói chung, trong việc sắp xếp cuộc sống của con. 

Tô Diệu Hiền

Không thể đo lường tình cảm cha mẹ dành cho con cái, nhưng khi đã phát sinh tranh chấp thì ai cũng đưa ra những lý lẽ có lợi nhất. Cả người cha và mẹ trong trường hợp này đang đi theo hướng mà người bị thiệt hại chính là con gái họ.

Về lý, ông Hân có quyền yêu cầu bà Dung tôn trọng phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, nhưng việc này cũng không tước đi quyền thăm nom, chăm sóc con của người vợ đã ly hôn là bà Dung.

Tạo điều kiện để trẻ phát triển là trách nhiệm không chỉ của người trực tiếp nuôi dưỡng mà đồng thời là trách nhiệm của người không trực tiếp nuôi dưỡng. Trước khi nhờ cơ quan pháp luật can thiệp, cha mẹ đứa trẻ phải nhận thức rõ điều đó. 

Bỏ qua tâm lý “người thắng kẻ thua” trong việc tranh giành quyền nuôi con, tòa án khi đưa sự việc ra xem xét hẳn đã cân nhắc, và hai người trong cuộc biết rõ hơn ai hết là mình cần làm gì tốt nhất cho con. Hoàn cảnh của con người không bất biến.

Đứa trẻ khi về với mẹ cảm thấy có nhiều thứ mới mẻ và mong muốn đón nhận là tâm lý bình thường. Người mẹ muốn nuôi con phải được pháp luật cho phép bằng một phán quyết của tòa án, nhưng thực tế không cứng nhắc như những văn bản và hiện tại là đứa trẻ đã muộn nhập học, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cha mẹ.

Bất luận thế nào hai bên phải ngồi lại với nhau, bởi rất vô lý nếu cả hai đều yêu thương con nhưng lại làm cho con bị thiệt hại. Ba mặt một lời, cơ quan tư pháp địa phương trong trường hợp này là nơi bà Dung đăng ký hộ khẩu thường trú, phải thực hiện trách nhiệm hòa giải. Bà Dung cũng có quyền yêu cầu tòa án xem xét lại việc nuôi con nếu hòa giải bất thành.  

Thạc sĩ Hoàng Kim Chiến
(Hội Luật gia TP.HCM), nguyên Phó cục trưởng 
Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI