Có chuyến tàu đi ngược về quá khứ ở Myanmar

16/08/2017 - 14:37

PNO - Tạp chí Lonely Planet đã ví trải nghiệm đi tàu hỏa ở Myanmar như “cưỡi ngựa,với những toa tàu cổ xưa nhún nhảy và dằn xóc những người đủ “may mắn” để ngồi trên những chiếc ghế cứng và chuyện chợp mắt rõ ràng là bất khả thi”.

Vì lẽ đó mà đã không ít du khách và thậm chỉ cả người bản địa bỏ qua tàu hỏa khi lựa chọn phương tiện cho hành trình ở Myanmar, mặc cho giá vé tàu hỏa rẻ hơn rất nhiều so với vé xe buýt VIP hay vé máy bay.

Song, trong điều kiện tai nạn đường bộ gia tăng và du lịch đến Myanmar vào mùa mưa như hồi tháng Bảy vừa qua, tàu hỏa trở thành một lựa chọn đáng cân nhắc. Cứ thế, vào một buổi sáng sớm Chủ nhật mù sương, tôi đến ga tàu hỏa ở trung tâm Yangon, mua một chiếc vé tàu hỏa 11-Up hạng thương gia với giá 9.300 kyat (khoảng 155.000 đồng) và bắt đầu chuyến đi như một người bản địa.

Co chuyen tau di nguoc ve qua khu o Myanmar
 

Chợp mắt một giấc, tôi đã ở vùng ngoại ô Bago (một thành phố cách Yangon khoảng 80 km về phía Bắc). Những người bán hàng rong đang tranh thủ nhảy lên tàu rao bán trà và vài món quà vặt. Hớp một ngụm trà nóng, tâm trí tôi “chìm” dần trong hương trà thơm, trong nhịp sống chật chội mà thong thả trên khoang tàu cũ kĩ, những người bán hàng rong, những gia đình nhỏ và nhà sư. 

Tàu rời ga Bago, vẫn dằn xóc, chầm chậm hành trình về phía bắc. Cảnh vật bên ngoài được gói ghém trong ô cửa sổ vuông vức với những ngôi làng nhỏ nối tiếp nhau hàng cây số dài, thỉnh thoảng lại gián đoạn bởi một nhà ga cũ nào đó.  

Nếu so với tàu hỏa Việt Nam về độ thoải mái và tiện lợi, chỗ ngồi hạng thương gia của tôi vẫn “lép vế”. Dù khoảng cách giữa các hàng ghế đủ rộng để duỗi chân, ghế đệm dày hơn nhưng độ xóc nảy giữa các hạng vé vẫn… như nhau. Nếu hành trình ngắn thì chuyện xóc nảy này có thể nằm trong giới hạn chịu đựng, nhưng nếu đó là một chuyến đi kéo dài 15 tiếng đồng hồ thì lại là một câu chuyện rất khác. 

Càng rời xa khu vực thành thị, chất lượng đường sá càng tệ đi thấy rõ và đặc biệt, tàu chỉ giữ nguyên vận tốc… 24km/g. Tò mò, tôi quay sang hỏi người nhân viên có nước da ngăm, đôi mắt sâu rất sáng nhưng ánh nhìn khá rụt rè - như đại đa số người dân ở quốc gia mở cửa chưa lâu này - rằng người dân không cảm thấy phiền phức với vận tốc “rùa bò” này sao. Người thanh niên đáp rằng đó là do những “trở ngại” trên đường ray. Anh giải thích rằng người lái tàu buộc phải giữ vận tốc thấp như vậy vì người dân và cả động vật, phần lớn là bò, thường đi dọc theo đường ray. 

Trời sáng dần, ánh nắng sớm phả vào một bên tàu. Những khoang tàu cũ kĩ tuy không được trang bị điều hòa nhưng vẫn mát mẻ nhờ làn gió ban mai “đu” theo chuyển động của đoàn tàu. Không thiết bị di động, không kết nối wifi, chỉ có tiếng gió, tiếng rít trên đường ray… phải chăng chuyến tàu này sẽ đưa người ta quay ngược về quá khứ - nơi con người giao tiếp mặt đối mặt, chứ không phải thông qua màn hình cảm ứng hiện đại kia? 

Vĩnh Trinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI