Bánh phô mai Nhật Bản - chiếc bánh biết nhún nhảy

24/08/2017 - 08:45

PNO - Người dân xứ hoa anh đào gọi trìu mến món bánh phô mai là “fuwa-fuwa” - từ tượng thanh mô phỏng chuyển động rất nhạy.

Chiếc bánh biết nhún nhảy này được người dân xứ hoa anh đào gọi trìu mến là “fuwa-fuwa” - từ tượng thanh mô phỏng chuyển động rất nhạy của nó.

Có thể nói, bánh phô mai chẳng có một nét tương đồng nào với đặc trưng trong hương vị ẩm thực Nhật nói chung khi đầy sữa và lại là một loại bánh nướng. Tuy nhiên, bánh phô mai Nhật Bản vẫn cứ thong thả nhún nhảy đến khắp nơi trên thế giới. 

Banh pho mai Nhat Ban - chiec banh biet nhun nhay
 

Để trở thành một trong những cơn sốt ngọt ngào trên trường quốc tế như hôm nay, anh bạn nhún nhảy đến từ Nhật đã trải qua không biết bao nhiêu lần đổi mới bản thân. Lịch sử của anh bạn này tương đối ngắn ngủi, khoảng 40 năm trở lại đây, rõ ràng chỉ được xếp vào hàng “cháu chắt” nếu đặt trong 2000 năm lịch sử bánh kẹo.

Chiếc bánh phô mai đầu tiên ra đời vào năm 230 sau Công nguyên, được cho là một sáng kiến của nhà văn Athenaeus, nhưng bên cạnh đó cũng có tư liệu ghi chép lại rằng, bánh phô mai đã có mặt năm 776 sau Công nguyên như một món ăn dành cho các vận động viên của thế vận hội. Sau đó, các nhà khảo cổ học đã phát hiện rằng, phiên bản bánh phô mai nọ được làm từ bột mì, mật ong và phô mai, tuy nhiên mang hình dạng như bánh pudding. 

Người La Mã đã mang chiếc bánh phô mai Hy Lạp đi khắp châu Âu. Từ đó, chiếc bánh phô mai kiểu hiện đại như chúng ta thường gặp ngày nay được cho là có nguồn gốc ở Ba Lan thời trung cổ, và là sự kết hợp giữa phô mai cottage, bánh creme, sữa nguyên chất lên men và phô mai tươi. Những người nhập cư từ Ba Lan mang công thức này đến xứ cờ hoa. Sau khi kem phô mai xuất hiện lần đầu ở New York vào năm 1872, công thức làm bánh phô mai có kem phô mai cũng từ đó mà phổ biến.

Trở lại với Nhật Bản, chính quyền Minh Trị mới thành lập đã khuyến khích việc sử dụng thực phẩm nước ngoài bằng một quyển sách công thức nấu ăn ra đời vào năm 1873 với sự xuất hiện của bánh phô mai, mặc dù lúc ấy, bánh phô mai chỉ đơn thuần là hỗn hợp phô mai và gạo. Vẫn còn khá bảo thủ trong việc chấp nhận nền văn hóa ngoại lai, bánh phô mai không được người Nhật đón nhận. 

Banh pho mai Nhat Ban - chiec banh biet nhun nhay
 

Mãi cho đến sau chiến tranh, khi quân đội Mỹ đóng tại Nhật mang theo bánh phô mai nướng kiểu Mỹ, bánh phô mai trở lại và bắt đầu chinh phục người Nhật. Vào đầu thời Showa, phô mai cottage mềm và kem phô mai trở nên phổ biến ở Nhật Bản, đồng thời được xem như thành phần mới trong ngành bánh kẹo truyền thống. Không lâu sau, bánh phô mai là một trong những món tráng miệng được nhiều người ưa chuộng. 

Kỳ lạ là, bạn sẽ chẳng thể tìm thấy một loại bánh nào được gọi là “bánh phô mai Nhật Bản” trong khắp các tiệm bánh lớn nhỏ ở nước này. Thông thường, có ba loại bánh phô mai phổ biến ở Nhật: bánh phô mai nướng (được làm từ trứng, kem phô mai, kem nặng, bột rồi nướng trong lò), bánh phô mai không nướng (gồm kem phô mai và kem nặng trộn với gelatin hoặc nước chanh, sau đó đổ lên lớp vụn bánh qui và cho vào tủ lạnh để đông lại) và cuối cùng là soufflé (soufflé cheesecake) – anh bạn bánh phô mai nhún nhảy độc đáo của Nhật Bản. Nhìn chung, ba kiểu bánh phô mai trên đều là kết quả của một quá trình sáng tạo để phù hợp với khẩu vị của người Nhật: bánh xốp hơn, nhẹ hơn, ít ngọt và ít calories. 

Bánh phô mai soufflé Nhật khác với bánh phô mai New York truyền thống khi kết hợp lòng trắng trứng gà với hỗn hợp phô mai kem. Bí quyết tạo nên sự mềm mại trong thớ bánh và khả năng “bật nảy” của chiếc bánh phô mai soufflé nằm ở cách người thợ tách vỏ trứng và độ bông xốp của lòng trắng, Cụ thể, khi lòng trắng trứng đã thật mịn như bột, các lỗ khí bên trong phần trứng đánh bông này đã giúp chiếc bánh có độ đàn hồi nhất định khi ra lò. Bột bánh được nướng ở nhiệt độ thấp theo phương pháp cách thủy để cho ra đời một chiếc bánh cực kì mềm mại.

Và một khi bạn đã làm quen với anh bạn nhún nhảy này, bạn sẽ không thể nào dừng lại ở một lát bánh! 

Vĩnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI