Hành trình của 'Răng sư tử'

20/07/2019 - 20:08

PNO - 'Răng sư tử' xuất hiện giữa sự đứt gãy của văn học trinh thám Việt Nam, như góp phần giải cơn khát có thật của độc giả.

Răng sư tử (biên khảo về cuộc chiến điệp báo giữa các cường quốc, tác giả Yên Ba, Đông A và nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành) in lần đầu tháng 10/2018, lập tức trở thành tác phẩm best seller. Chưa đầy năm, sách đã được tái bản lần thứ ba, khơi lại sức sống của thể loại văn học trinh thám Việt Nam vốn đứt gãy qua nhiều thập niên.

Cuộc chiến điệp báo ly kỳ

Răng sư tử được nhà báo Yên Ba chọn viết theo thể loại biên khảo. Tuy nhiên, theo tác giả, “sách có 70% sự thật và 30% hư cấu”. “Tôi có phần bắt chước theo cấu trúc bộ truyện Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, viết theo dạng chương hồi. Những nhân vật, dữ liệu, sự kiện có thật trong lịch sử, tất nhiên mình không thể thay đổi. Phần hư cấu chỉ có thể là sự dẫn dắt tâm lý, lời thoại của các nhân vật” - nhà báo Yên Ba nói.

Sách dày 860 trang, với 12 chương, viết về các điệp vụ tuyệt mật và những điệp viên lừng danh thế giới: Morris, Leontine Cohen, Klaus Fuchs, Francis Powers, Theodore Hall, John Cairncross, Aldrich Ames…

Cuộc chiến điệp báo không tiếng súng trong sách là giữa các cơ quan tình báo của các cường quốc Anh, Mỹ, Liên Xô trước, trong và sau Chiến tranh lạnh kéo dài gần sáu thập niên. Nhiều người trong số họ tham gia cuộc chiến vì lý tưởng, số khác vì tiền bạc hay danh vọng. Nhiều người thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, nhưng cũng có người mãi mãi bị chôn vùi trong những bí mật thế kỷ. Nhưng những tài liệu họ mang về có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh, ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của nhiều quốc gia, dân tộc.

Hanh trinh cua 'Rang su tu'

“Rất nhiều tài liệu đã được giải mật, đăng công khai trên các trang mạng. Công việc của tác giả chỉ là xâu chuỗi, gắn kết các sự kiện, các hành động của điệp viên trong bối cảnh cụ thể; so sánh, đối chiếu với các nguồn tư liệu, để hình thành một cuốn biên khảo phi hư cấu. Cái khó là phải biết chọn lọc chi tiết, dẫn dắt làm sao để người đọc không bị lạc lối trong kho tư liệu khổng lồ” - tác giả bày tỏ.

Sách dày đặc các nhân vật, sự kiện, nhưng bố cục vẫn rõ ràng, cách kể hấp dẫn. Đánh cắp nguyên tử, Gián điệp trên cao, Đại tá Abel, Đường hầm Berlin, Kim cương hai mặt, Thoát khỏi tử địa, Sát thủ lụy tiền, Sinh nghề tử nghiệp, Bộ ngũ phi thường… là những câu chuyện ly kỳ, cuốn người đọc vào thế giới của những điệp viên quốc tế. Đối với các fan của văn học, phim ảnh trinh thám, Răng sư tử là cuốn sách đủ để gối đầu giường.

Giải "cơn khát" văn học trinh thám

Nhà báo Yên Ba cho biết, ông đặc biệt say mê những câu chuyện tình báo ly kỳ. Ông từng xuất bản nhiều tác phẩm thể loại trinh thám, như: tiểu thuyết Thoát khỏi CIA, Điệp viên ở Washington, tập truyện Vụ đánh cắp thế kỷ… Riêng Răng sư tử được thực hiện trong 3 năm, có thể xếp vào thể loại trinh thám chính trị.

Trước đó, từng có dạng sách khai thác nhân vật tình báo trong nước: tiểu thuyết Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên (Hữu Mai, viết về nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ), Ông tướng tình báo và hai người vợ (Nguyễn Trần Thiết, viết về thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức), X6 - Điệp viên hoàn hảo (Larry Berman, viết về điệp viên Phạm Xuân Ẩn)… hầu hết đều đã được chuyển thể thành phim. Nhưng dòng văn học trinh thám Việt Nam thì vẫn còn khoảng trống lớn, kể từ giai đoạn “vàng son” vào những năm 1930 của thế kỷ trước.

Bạn đọc chủ yếu thưởng thức thể loại này từ các tác phẩm dịch. Văn học trong nước những năm gần đây thi thoảng có vài tựa sách trinh thám - kinh dị, trinh thám - hành động hoặc trinh thám - viễn tưởng. Khách quan mà nói, không nhiều tác phẩm hấp dẫn bạn đọc. Dạng đề tài trinh sát hình sự phá án, tội phạm có thế mạnh khi khai thác ở mảng phim truyền hình. Lực lượng sáng tác trẻ đông đảo, nhưng không mấy ngòi bút mặn mà với văn học trinh thám. Sự thiếu hụt này, ở thời điểm hiện nay, chưa thể làm được gì.

Hanh trinh cua 'Rang su tu'
Nhà báo Yên Ba (giữa) trong buổi giao lưu về tác phẩm Răng sư tử

Răng sư tử xuất hiện giữa sự đứt gãy của văn học trinh thám Việt Nam, như góp phần giải cơn khát có thật của độc giả. Lý giải cho việc không chọn khai thác về các điệp viên xuất chúng của Việt Nam, nhà báo Yên Ba nói: “Các cơ quan tình báo quốc tế đều đánh giá điệp viên Việt Nam thuộc hàng thượng thặng. Nhưng những nhân vật tình báo xuất chúng trong nước đều đã được viết nhiều, tôi không nghĩ mình có thể viết tốt hơn.

Nhiều năm theo dõi đời sống chính trị quốc tế, tôi rút ra kết luận: rất nhiều quyết định của các chính trị gia, liên quan đến các sự kiện quốc tế, dựa trên thông tin từ các cơ quan tình báo. Nói cách khác, nhiều điệp viên đã góp phần tác động, làm thay đổi thế giới. Cuốn sách này nhằm phác họa lại cuộc chiến điệp báo, thông qua những con người cụ thể, những sự kiện có thật trong suốt 60 năm căng thẳng của thế kỷ XX”.

Ông cũng chọn lời của một bậc thầy điệp báo để cắt nghĩa cho tiêu đề Răng sư tử: “Khi làm nhiệm vụ trên đất địch, các điệp viên phải chấp nhận đưa mình vào giữa hàm răng của sư tử. Nhưng nếu điệp vụ thành công, đấy sẽ là cú táp chí mạng của những chiếc răng sư tử vào cổ họng kẻ thù”. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI