Chuyến xe của chị bán chè

13/05/2017 - 18:44

PNO - Chị bán chè trước cổng một trường học. Cứ tầm trưa gần giờ tan học, chị gánh chè tới, bỏ ra mấy cái ghế nhựa và soạn ra cuộn bịch ni lông nhỏ, gói dây thun, cái ly nhựa làm phễu, bắt đầu múc chè.

Lúc không có khách, chị múc chè vô bịch cột thành từng gói treo một chùm trên đầu gánh. Lúc có khách, chị luôn tay luôn miệng, hỏi ý khách, múc chè vô ly, chan nước cốt dừa, rải đậu phộng, bỏ đá… 

Chuyen xe cua chi ban che
 

Suốt mấy tuần “lòng lề đường”, đám học trò và cả đám dân văn phòng không thấy chị đến bán, tìm dáo dác ngược xuôi mới thấy chị vẫy vẫy nón từ trong một cái hẻm gần đó. Cái gánh chè phải thụt vô hẻm, tránh mắt, tránh lề đường, rồi còn phải ngó nghiêng tìm cách thu dọn cho nhanh mà… chạy. Nay hình như có đỡ hơn, chị lại trở lại cổng trường.

Đợt dẹp loạn vỉa hè cũng là thử thách, chị đã “lên đời”: cái gánh chè thay bằng chiếc xe ba gác đẩy tay, những soong chè nằm yên trên xe, có đầy hơn một chút. Chị cười: nghề mình má dạy từ hồi nhỏ, làm quen rồi giờ bỏ lấy gì sống. Sắp nhỏ ở nhà hai đứa đang đi học, chồng chạy xe ôm, cái gánh chè của chị là nguồn kinh tế chính của gia đình. Được cái khách thương, không bỏ.

Cái gánh chè của chị đúng là không bỏ được. Mấy cô văn phòng bóp mồm bóp miệng ăn kiêng, nhưng một hai bữa lại ra tìm chị bán chè. Mấy cửa hàng tiện lợi, shop máy lạnh mở sát trường, sô-cô-la, kem, mì gói đa dạng, nhưng mấy đứa nhỏ vẫn bu quanh gánh chè. Chị nói có ngày cũng ế, chị đem về xóm bán rẻ, bà con thương, mua ủng hộ hết.

Nhìn cái gánh hàng rong đơn giản, khó có thể hình dung nó nuôi sống một gia đình bốn nhân khẩu, nên nhà nên cửa. Cứ để nó yên hàn như vậy thôi, nó cũng sẽ góp phần đưa những đứa nhỏ của chị từ trường phổ thông bước vào giảng đường đại học, biết đâu sẽ thành cử nhân, kỹ sư.

Chị không biết rằng cái gánh chè của chị là một biểu hiện cụ thể để hình dung một chủ trương mới, ở tầm vĩ mô, của Nhà nước, một chủ trương được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự cường thịnh, giàu mạnh của dân, của nước: chủ trương xóa mọi rào cản, định kiến để kinh tế tư nhân phát triển.

Nhìn dưới góc độ xã hội học, chiếc xe ba gác thay cho đôi quang gánh đang chứng tỏ một điều: cái gánh chè không thể dễ dàng vứt bỏ hay triệt tiêu. Trước những thử thách, những thay đổi về chính sách, nó tìm cách vượt lên hoàn cảnh để thích nghi, để tồn tại và phát triển.

Một nhà kinh tế nhìn chị sẽ cho rằng, việc chuyển lên xe ba gác sẽ giúp lượng chè bán được nhiều hơn, chị bán chè đỡ gánh nặng hơn, sức khỏe chị tốt hơn, khả năng di chuyển nhanh và xa hơn, bớt những rủi ro, tất cả dẫn tới doanh thu sẽ tốt hơn… Tóm lại, cái gánh chè, lao động của chị bán chè, với động lực chủ yếu là đảm bảo kinh tế gia đình, đảm bảo cho sự tồn tại của chính chị, lại cũng là một phương tiện để phát triển con người.

Điều này mới là cái lý sâu xa, cái gốc rễ. Người ta thấy buôn bán vui, sinh ra đồng lời, học được cái khôn cái khéo từ tầm nhận thức của người ta, bằng năng lực cá nhân của người ta, có thất bại cũng “sáng mắt ra” mà trưởng thành. Kinh tế tư nhân có thế mạnh lớn trong việc tạo cho mỗi cá nhân một cơ hội việc làm không ai giống ai, linh hoạt, đa dạng, phong phú.

Việc làm ấy cũng là cơ hội để phát triển năng lực bản thân, tự mình xây dựng thành công và hạnh phúc của mình. “Giàu” là quan trọng, nhưng “giàu” cũng chỉ là một cột mốc trên đường, mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc của con người, là một xã hội phát triển trong đó mỗi con người đều được tạo cơ hội để phát triển bình đẳng. 

Chủ trương sẽ thay đổi cách nhìn nhận của xã hội đối với loại hình kinh tế tư nhân nói chung, và động viên người ta dám nghĩ dám làm. Hôm nay, chị là bà nội trợ, lao động chủ yếu là việc nhà, đưa đón con. Nhưng đó không phải là định mệnh, bất biến. Xã hội đang mở ra những cánh cửa mới. Đừng bao giờ đóng khuôn số phận của mình, cuộc đời của mình.

Bao nhiêu doanh nhân có xuất phát điểm là một người làm công, là một nhân viên chán việc bị đánh giá bất tài, là một kẻ thất bại trong tình yêu, hôn nhân… nhưng rồi họ đã thay đổi. Tất nhiên, cũng bao nhiêu doanh nhân đã phá sản, lại trở lại thành một người làm thuê, từ chỗ tiền bạc rủng rỉnh, vợ con đùm đề trở thành tay trắng.

Có những năm, leo lên ngồi sau xe của một anh xe thồ, đi một đoạn mới biết người chở mình lấy vài ngàn bạc từng một thời lẫy lừng danh vọng, tiền bạc. Chẳng ai mãi mãi là doanh nhân thành đạt, cũng đồng nghĩa với việc chẳng ai mãi mãi là kẻ làm thuê. Một người lao động có quyền nghĩ tới, và hoàn toàn có thể trở thành một bà chủ, ông chủ. 

Buôn bán, kinh doanh gần như là một trong những bản năng của phụ nữ. Trò chơi bán đồ hàng hồi nhỏ của các bé gái, khả năng tay hòm chìa khóa quản lý ngân quỹ gia đình… chứng tỏ các bà các chị ít nhiều đều có tố chất doanh nhân. Thứ nữa, kinh tế tư nhân, các thương vụ “vừa và nhỏ” cũng gần gũi với phụ nữ, vốn quen với những hoạt động trong tầm quản lý của mình, trong tầm tay đàn bà của mình.

Một chủ trương quan trọng chắc chắn sẽ kéo theo những chính sách, sẽ tạo điều kiện thuận lợi. Có thể kỳ vọng rồi sẽ có thêm những bà chủ, những nữ doanh nhân với doanh nghiệp của mình. Chuyến xe của chị bán chè sẽ có ngày dừng lại đâu đó để “nở” ra, thành quán, thành hệ thống, thành thương hiệu chè đậu đen nước cốt dừa, chè sâm bổ lượng…

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI