Nghĩ từ cái cúi đầu chào khách hàng…

12/10/2017 - 09:35

PNO - Chuyện nhân viên cây xăng, thậm chí ngay cả tổng giám đốc người Nhật của công ty kinh doanh xăng dầu Idemitsu Q8 với 100% vốn của Nhật Bản, đứng đội mưa khom lưng cúi đầu chào khách hàng của mình đã làm dậy sóng truyền thông Việt.

Và tất nhiên, cũng giống như bao chuyện mới xảy ra ở Việt Nam hay bị người Việt coi là lạ mắt, hiện tượng này đã gây ra những dư luận nhiều chiều. Mà nóng nhất vẫn là những ánh mắt săm soi, những bàn phím gõ nhanh hơn óc nghĩ, và những liên tưởng, suy diễn đa phần lệch khỏi chuyện kinh doanh đơn thuần, có thể làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng khiến… khổ chủ phải “vò đầu bứt tóc”.

Thật ra, hành động khom lưng cúi đầu để chào nhau là chuyện bình thường trong văn hóa truyền thống của người Nhật. Xin lưu ý là họ không chỉ gật đầu hay cúi đầu như người Việt mà là đứng nghiêm chỉnh và khom cả lưng xuống. Nó cũng giống như cách chào "wai" của người Thái Lan chắp tay và khẽ cúi đầu.

Nghi tu cai cui dau chao khach hang…
Hình ảnh Tổng giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsu Q8 đứng khom lưng cúi đầu chào khách gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Không cần phải cất công sang tận Nhật Bản để được người Nhật cúi đầu chào hỏi đâu, người Việt mình chỉ cần vào những cơ sở kinh doanh, phục vụ của người Nhật, như những quán sushi, cửa hàng Nhật,… ở ngay Việt Nam là đã thấy cách chào truyền thống này. Thậm chí không chỉ có khom lưng cúi đầu mà các nhân viên còn hô rân trời những câu chào tiếng Nhật.

Bên cạnh nghi thức chào khách hàng khi đến và đi, trạm xăng Nhật Bản này còn cho nhân viên lau kính xe miễn phí cho khách nếu khách đồng ý. Chuyện này thì bình thường ở nhiều nước. Riêng ở Mỹ với tinh thần tự phục vụ, ngoại trừ vài tiểu bang buộc nhân viên cây xăng phải bơm xăng cho khách, người đổ xăng phải tự bơm xăng vào xe mình sau khi thanh toán tiền. Rất nhiều cây xăng có để sẵn những cái xô nước và cây lau để ai cần thì cứ việc dùng lau rửa xe mình miễn phí.

Vậy thì hà cớ gì mà chuyện một doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam chào hỏi khách hàng của mình lại bị người Việt mổ xẻ tưng bừng như mấy ngày qua? Tôi tự kiểm mình là người "nhiều chuyện", "Thánh chém trên Phây", "anh hùng bàn phím" nên chẳng dại "lạy ông con ở bụi này".

Nhưng tôi buồn không hề nhẹ với cái ý nghĩ rằng ngay cả những điều tốt đẹp của người khác giờ đây cũng làm cho mình phải "bận tâm". Phải chăng những cử chỉ, hành động tốt người, đẹp đời vốn dĩ bình thường trước kia ở mình và đang ở đâu đó chung quanh mình giờ đây cũng trở thành chuyện hiếm hoi, chuyện lạ?

Tôi còn trộm nghĩ, tai nạn giao thông có thể xảy ra hàng loạt chung quanh các cây xăng Việt, nếu như một ngày nào đó các nhân viên đổ xăng bỗng dưng muốn… nói lời cảm ơn khách vừa đổ xăng, khiến người ta hoặc sướng quá, hoặc hoảng quá mà mất tập trung điều khiển xe.

Nghi tu cai cui dau chao khach hang…
Hành động khom lưng cúi đầu để chào nhau là chuyện bình thường trong văn hóa truyền thống của người Nhật.

Cũng rất may là đại đa số ý kiến trong cộng đồng là khen cách kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản kia và hy vọng nó sẽ góp phần tạo nên một làn gió mới trong văn hóa kinh doanh vốn quá ư nhiễu nhương và tệ lậu chung quanh ta bao lâu nay. Người ta làm được, mình há chịu kém cạnh ư? Và cũng rất mừng khi những dư luận "ngứa mắt", "không thích ai tốt và hay hơn mình", "mượn gió bẻ măng",… chỉ là số ít.

Tôi đã nghe ai đó nói rằng phải "nhập gia tùy tục", vào Việt Nam làm ăn thì phải theo cách thức của người Việt. Tất nhiên điều đó không sai, nhưng chỉ có ý nghĩa ở một số khía cạnh nào đó. Chẳng ai có quyền cấm người khác đưa những điều tốt lành, những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình sang nước khác. Chẳng lẽ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ của người Việt ở xứ người không được cho nhân viên mặc áo dài, trang trí theo phong cách Việt?

Có lẽ nếu chỉ có chuyện cúi đầu chào khách hàng thì cũng chẳng tới mức quá chộn rộn đâu. Tập đoàn xăng dầu hàng đầu của Nhật Bản khi khai trương cây xăng đầu tiên của mình ở Việt Nam (tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội – nơi có nhiều công ty Nhật Bản đang có mặt) đã cho biết họ có thể đổ xăng với độ chính xác tới 0,01 lít. Tất nhiên, họ có thể làm được điều đó với hệ thống hiện đại của mình.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đây lại là một trong những điều nhạy cảm, thậm chí "kị húy", đối với cả người dùng lẫn giới bán xăng ở Việt Nam. Bao nhiêu năm nay, chuyện gian lận, bơm xăng thiếu, xăng kém chất lượng,… đã trở thành một vấn nạn trong cái nhu cầu thiết yếu đổ xăng dầu của người Việt. Trong khi người dùng Việt quá thích luôn, không ít chủ cây xăng quạu quọ coi "sự chính xác theo tiêu chuẩn Nhật" như một "cú chọt nách" vào họ, nhột thấy bà luôn.

Lại đặt ra câu hỏi: cây xăng Nhật làm được, sao cây xăng Việt lại chịu để "mang tai mang tiếng"?

Nhân tiện, sau khi đã "nói" hơi bị "mỏi tay" về cách kinh doanh "lạ mắt" và "kỳ cục" của cây xăng Nhật, người ta đã tìm ngay ra được một vụ mới và được cho quan hệ ngay. Đó là hình ảnh những cây xăng của Petrolimex cho treo những tấm băng-rôn kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chẳng biết ai đó có thâm ý gì phía sau, nhưng thật ra, đây là một việc làm được giải thích là hưởng ứng chương trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số ban ngành có liên quan phát động từ tận năm 2009.

Nghi tu cai cui dau chao khach hang…
Không ít người bây giờ hiểu cái băng-rôn của Petrolimex lần này là hàm ý kêu gọi "người Việt ưu tiên đổ xăng ở cây xăng Việt". Ảnh: Petrolimex.

Cuộc vận động này ban đầu do báo Nhân Dân phát động với tên gọi "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", nhưng sau đó phải thêm chữ "ưu tiên" để tránh rắc rối với chính sách của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà Việt Nam gia nhập từ năm 2007. 

Tất nhiên chuyện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho cây xăng treo băng-rôn này cũng chỉ là bình thường và theo đúng "quy trình" nếu như mới đây không xảy ra vụ một số hãng taxi ở Hà Nội và TP.HCM chơi chiêu đòn cạnh tranh "không ai dám làm" là dán lên xe taxi những miếng đề-can in những khẩu hiệu chống lại đối thủ taxi công nghệ Uber và Grab; cũng như chuyện về cây xăng Nhật Bản.

Không ít người bây giờ hiểu cái băng-rôn của Petrolimex lần này là hàm ý kêu gọi "người Việt ưu tiên đổ xăng ở cây xăng Việt". Nhưng sẽ tốt cho tất cả nếu như các băng-rôn này có ý nghĩa nhắc nhở các cây xăng phải làm sao cho xứng đáng "hàng Việt", ngon lành hơn cả hàng Nhật.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, thế giới phẳng tràn ngập thông tin và đã có nhiều kinh nghiệm hơn này, người tiêu dùng sẽ chỉ lựa chọn những nơi nào thật sự đem lại nhiều lợi ích hơn và làm họ ưng cái bụng hơn.

Với sự có mặt của một "ông lớn" xăng đầu Nhật Bản, thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đã bắt đầu có sự cạnh tranh.

Vấn đề mà người ta đáng lẽ phải quan tâm là liệu lần này có bị lâm vào tình cảnh "cạnh tranh nửa vời", "cạnh tranh ào", hay thậm chí chết yểu giống như một số trường hợp khác, khi các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm ưu thế áp đảo.

Chỉ ngoại trừ trong trường hợp họ không có sự lựa chọn nào khác mà bị ép phải dùng như trong cơ chế độc quyền, một mình một chợ. Người ta giờ đây cũng bị dị ứng với việc lạm dụng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc vào những chiêu trò kinh doanh, phục vụ lợi ích cá nhân nào đó.

Với sự có mặt của một "ông lớn" xăng đầu Nhật Bản, thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đã bắt đầu có sự cạnh tranh. Vấn đề mà người ta đáng lẽ phải quan tâm là liệu lần này có bị lâm vào tình cảnh "cạnh tranh nửa vời", "cạnh tranh ào", hay thậm chí chết yểu giống như một số trường hợp khác, khi các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm ưu thế áp đảo.

Với đặc thù của ngành kinh doanh xăng đầu ở Việt Nam, các doanh nghiệp bắt buộc phải bán sản phẩm theo giá thống nhất do nhà nước quản lý và đưa ra. Nó khác hẳn ở các nước khác, giá xăng dầu do doanh nghiệp kinh doanh quyết định với những luật định rõ ràng về chống cạnh tranh xấu và có thể được thay đổi nhiều lần trong ngày tùy tình hình thực tế thị trường.

Trong điều kiện còn bị trói tay, trói chân, không thể cạnh tranh bằng giá bán, các cây xăng ở Việt Nam chỉ còn cách thu hút khách hàng bằng cung cách phục vụ.

Và cây xăng Nhật Bản đã chọn cách đó, vừa phù hợp môi trường kinh doanh ở Việt Nam, vừa có thể giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống Nhật Bản. Vậy thì, người dùng Việt hãy hoan hỉ đón chào họ và thụ hưởng những điều tốt lành họ mang tới cho mình.

Hãy đơn giản nghĩ rằng đó là văn hóa kinh doanh và mọi doanh nghiệp đều có quyền làm để phục vụ tốt nhất khách hàng – người đem tiền đến cho mình. Các doanh nghiệp thay vì khó chịu, tìm cách chống trả, thậm chí triệt hạ đối thủ cạnh tranh khi họ được người dùng ưa chuộng hơn, hãy thể hiện việc mình biết nghĩ tới khách hàng, tập trung tâm sức nghĩ cách để làm ngon lành hơn cả đối thủ.

Đó mới chính là văn hóa kinh doanh của những người kinh doanh có văn hóa. Chuyện đơn giản chỉ là vậy.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI